ĐOẢN NGÔN I ( U75 TỪ TÌNH)

 

                                               Chữ ngắn - tình dài - nghĩa nặng        

 

CHỮA NGỌNG

L là một nhà thơ bất hạnh. Suốt đời ông đeo đuổi chữa ngọng bằng thơ tình. Và càng ngọng hơn.

 

ƯU KHUYẾT ĐIỂM

Huệ Tử là một danh sư thời Xuân Thu. Ông nói với học trò:

- Ưu điểm của thầy là biết hỏi.

- Khuyết điểm của thầy là hay trả lời.

 

MÁY PHOTOCOPY

Người ta có một cái đầu để làm khác chứ không phải để làm theo. Bất hạnh là người có cái đầu máy photocopy.

 

KHÔNG BIẾT ĐIỀU

Thơ cách tân là thơ không biết điều

 

THÍCH CHỮ

Cả hai nhà thơ X và Y cùng thích chữ.

X thích chữ như một nhà sưu tầm báu vật. Ở X, nhiều chữ quý tự thân.

Y thích chữ như một nghệ sĩ sắp đặt. Ở Y, thường là những chữ đắc địa.

Thiên hạ mệnh danh Y là “Tả Ao chữ”.

 

THƠ CỔ NHÂN

Muốn yêu thơ cổ nhân không những cần lòng thành kính mà còn cần lòng can đảm. Tôi rất quý trọng bà Huyện Thanh Quan của Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo và tôi không thể không thắc mắc: Một số các nhà bình tuyển thơ cổ lại áp đặt hậu thế những câu rất mực thầy đồ của bà như:

Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Thật đúng là: Yêu nhau còn tội hơn mười phụ nhau.


 

TÚ XƯƠNG

Người ta chưa đánh giá hết tầm quan trọng của Tú Xương. Ông là nhà thơ thị dân xuất sắc đầu tiên của thơ Việt sơ thế kỷ XX. Bài thơ Sông lấp:

Sông kia rày đã nên đồng

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò

là một bài thơ hay theo truyền thống.

Bài Mất ô:

Hôm qua anh đến chơi đây

Giầy dôn anh dận ô Tây anh cầm

Rạng ngày trống điểm canh năm

Anh dậy em vẫn còn nằm trơ trơ

Hỏi ô, ô mất bao giờ

Hỏi em, em cứ ỡm ờ không thưa

Chỉ e rày gió mai mưa

Lấy gì đi lại sớm trưa với tình

là một bài thơ tình hiện đại kiệt xuất.

 

CÁCH ĐỐI XỬ

Cách đối xử tệ nhất với cổ nhân là sùng bái họ, mưu toan biến họ thành những kẻ đồng lõa bất đắc dĩ phục vụ mình.

 

MIỄN PHÍ

Miễn phí nhiều khi chỉ là một chiêu lừa.

Trong cơ chế thị trường mọi thứ đều phải trả tiền, kể cả đi thang máy bệnh viện.

 

BẠN TỐT

Suốt 30 năm hoạn nạn, Bờ Hồ là người bạn tốt nhất của tôi vì nó biết nghe và không biết nói.

 

ĐÊM CỐ VẤN

Đêm chỉ là người cố vấn tốt đối với ai ngủ được. Suốt gần hai mươi năm tôi mắc bệnh mất ngủ, đêm chỉ toàn xui dại.

Đêm trắng của người mắc bệnh mất ngủ thật ra mầu đen.

 

THỨC THỜI

Một nhà thơ thức thời thường cam phận lỗi thời. Vấn đề là ở phía trước hay phía sau.


 

NHÀ THƠ GÀN

X được coi là một nhà thơ gàn.

Ông mê những sàn trình diễn thời trang nhưng lại dị ứng với thời trang ngôn ngữ.

 

CHẾT TRẺ

Jăng Cốctô (Jean Cocteau) có một nhận xét đúng nhưng rất đáng sợ: “Tôi yêu thời trang vì thời trang thường chết trẻ.”

 

ĂN ĐI TRƯỚC

Ăn đi trước chưa chắc đã hay vì có nguy cơ là người đầu tiên bị ngộ độc thực phẩm.

 

NHIẾP ẢNH VÀ ĐIỆN ẢNH

Zênông (Zénon) là nhiếp ảnh.

Hêraclit (Héraclite) là điện ảnh.

 

SẢN XUẤT

Người đẹp cung cấp phụ bạc để nhà thơ sản xuất chung tình.

 

THAM QUYỀN

Các vị chức sắc đều tham quyền, trừ quyền rút lui.

 

MỘT CÁCH DẠY TỐT

Sau nhiều năm dạy hàng ngàn môn đồ, Ngộ Tử mới giác được cách dạy tốt nhất là học cùng với họ. Ông gọi phương pháp của mình là thoại giảng.

Về sau Xocrát (Socrate) cắt rốn cho nó một định danh rất nổi tiếng: phương pháp đỡ đẻ tư duy (maieutique)

 

QUỐC TẾ

Từ quốc tế nhiều khi chỉ là từ bản địa học làm sang.

 

VU CÁO

Đặt điều nói xấu người khác là vu cáo.

Đặt điều ca ngợi người khác cũng là vu cáo.

 

LỊCH SỬ

Lịch sử các phong trào văn học nghệ thuật xét đến cùng là lịch sử đấu tranh giữa các fan club.


 

NGUYỄN TUÂN TRẢ LỜI

Một nhà báo trẻ hỏi Nguyễn Tuân:

-         Theo bác, điều kiện quan trọng nhất đối với nhà văn là gì?

-         Là biết đọc, biết viết.

 

PHÊ BÌNH

Xanhtơ Bơ (Sainte Beuve), nhà phê bình nổi tiếng thế kỷ XIX, chưa bao giờ được coi là nhà phê bình hàng đầu vì ông thừa cái sắc sảo của ngòi bút và thiếu cái độ lượng của tâm thức.

 

THẦY VÀ TRÒ

Trong lịch sử tư tưởng nhân loại, hình như các môn đồ đều sống dai, các bậc thầy thường chết sớm.

 

HAY VÀ ĐƯỢC

Nhà thơ Đặng Đình Hưng có biệt tài đặt ra những thắc mắc xóc óc. Hôm đó đương ăn cháo lòng chịu ở phố Huế, Hưng đột nhiên hỏi tôi:

-         Tại sao đọc thơ mình cậu khen hay mà đọc Trần Dần cậu chỉ khen được?

-         Vì mình đòi hỏi Trần Dần nhiều hơn cậu.

 

OAN THỊ KÍNH

Người đẹp quá yêu nhà thơ đã tặng anh một điều kiện khả thơ tên là thất tình. Thiên hạ quá nghe lời tự vị trách họ là phụ bạc. Đúng là oan Thị Kính.

 

DU TÌNH

Người điên thành Aten suốt đời hành hương cửa chữ tìm người tình kiếp trước tên là vô danh. Anh trở thành một nhà thơ du tình.

 

DIỄN XUẤT

Nhà lý luận nổi tiếng thâm trầm X trong một chương trình truyền hình trực tiếp đã chứng tỏ xuất sắc một tài năng diễn xuất bẩm sinh.

 


 

ĐÁNH THUẾ

Nhà phong cách học X có một đề nghị khá hấp dẫn. Ông yêu cầu đánh thuế nặng cánh diễn giả ưa đại ngôn như đám khách thiếu ý thức sài điện vô tội vạ giờ cao điểm.

 

BAO NHIÊU

Khách hàng rất thích thú được phong làm Thượng Đế. Họ chỉ băn khoăn một điều: Thượng Đế phí thực sự là bao nhiêu?

 

TRỪU TƯỢNG

Người ta đồn Kăngdanhxki (Kandinski) là tác giả của câu nói trên cả tuyệt vời sau đây: Trừu tượng là một hiện thực khác.

Điều quan trọng không phải ở chỗ ông có thực phát biểu thế không mà ở chỗ ông đáng được nói câu đó.

 

ĐIỀU ĐÁNG BUỒN

Điều đáng buồn nhất đối với một nhà thơ là ly kỳ trong đời thực và tẻ nhạt trong đời chữ.

 

ÁC HOA

Ác hoa của Bôđơle (Baudelaire) là một trong những tác phẩm thánh thiện hàng đầu của thơ ca nhân loại.

 

QUAY ĐẦU

Phật có một câu rất hay: Biển khổ mênh mông quay đầu thấy bến.

Mọi tác phẩm lớn đều xuất phát từ động tác quay đầu.

 

LƯỠNG TÍNH

Phòng the là một từ lưỡng tính. Nó vừa kín vừa hở.

 

KẺ BỦN XỈN

Nhà thơ ít nhiều đều có họ với Ácpagông. Anh ta rất bủn xỉn chữ.

 

HŨ NÚT

Đặng Đình Hưng khi bị thiên hạ chê là thơ hũ nút đã có một câu trả lời rất danh ngôn: “Không nút để các cậu nốc hết rượu của tớ à.”

Hưng rất dị ứng những độc giả lười và những kẻ uống rượu chạc.

 

 

 

EO CHỮ

Theo ý kiến nhiều chuyên gia thẩm mỹ, giữ eo chữ đối với một nhà thơ cũng khó như việc giữ eo đối với một người mẫu. Nó đòi hỏi một chế độ dinh dưỡng nghiêm khắc trên cơ sở kiêng khem những đại ngôn.

 

CÔNG NGHỆ THỞ

Người ta hớt hải kiếm danh kiếm lợi hết hơi rồi lại rủ nhau đi Yoga để nạp khí trong một chu trình thở kín.

 

DIỄN VIÊN

Nghịch lý đối với một diễn viên là càng diễn ít càng tốt.

 

VĂN PHẠM

Tôi trọng những nhà thơ sinh sự với văn phạm để tạo ra sự sinh của ngôn ngữ.

 

KHÔNG CẦN

Thượng Đế không cần chân lý.

 

LẪN ĐƯỜNG

Nhà thơ có tật lẫn đường và lần ra những đường mới.

 

HOA HẬU

Một siêu mẫu có thể là một người “xấu” độc đáo.

Một hoa hậu thường là một người trung bình đẹp (không có nghĩa là đẹp trung bình). Hoa hậu đều ít nhiều quá khứ. Tôi kính họ như kính một bài lục bát.

 

NGƯỜI BẠN ĐÁNG NỂ

Modigliani có thể coi là người bạn đáng nể nhất của những người đẹp chân dài.

 

LẼ THUA ĐƯỢC

Trong mọi chiến thắng, thảm bại nhất có lẽ là chiến thắng trong tình yêu. Cổ nhân nói: “Trong tình yêu, thua là được.”

 

DẬM CHÂN

Trong mọi động tác chân, kỵ nhất là động tác dậm chân tại chỗ, vì nó động mà không đậy.

 

CHÂU MỸ

Crixtôp Côlông là một người hạnh phúc. Trên đường đi tìm tiểu lục địa Ấn Độ, ông lạc tới đích Châu Mỹ.

Chủ đích nhiều khi không bằng khách đích.

 

MỘT MÌNH KHÁC

Khi yêu ta những tưởng yêu một người khác, không biết rằng mình chỉ yêu một phóng chiếu của bản thân.

Người La Mã xưa có một từ khá siêu để chỉ hiện tượng này: alter ego- một mình khác.

Cái giết chết tình yêu hiệu nghiệm nhất chính là sự ích kỷ.

 

TAI VÀ MIỆNG

Thiền sư Vô Ngôn dạy môn đồ: “Thượng Đế sinh ra con người hai tai một miệng là có ý nhắc nhở rằng: Nghe quan trọng hơn nói hai lần. Cứ như cách ứng xử hiện nay của loài người có lẽ bà mụ phải nặn lại con người một tai hai miệng.”

 

ANH EM SINH ĐÔI

Tình yêu và tình dục là anh em sinh đôi, vừa giống vừa khác nhau.

Tình dục là một nhu cầu có thể thỏa mãn.

Tình yêu là một ham muốn chung thân bất mãn.

 

NUÔI DƯỠNG

Cần rất nhiều óc tưởng tượng để nuôi dưỡng tình yêu sống sót.

 

GIẾNG KHƠI

Tình yêu giống như giếng khơi, càng cho càng đầy.

 

TRẺ VÀ GIÀ

Người trẻ ưa xê dịch không gian gọi là du lịch.

Người già ưa xê dịch thời gian gọi là thư tịch.

 

CẦN SUY NGHĨ THÊM

Một câu nói của cổ nhân cần suy nghĩ thêm:

Khoa học chủ yếu là nghệ thuật về cái thông thường, nghệ thuật là khoa học về cái độc đáo.

 

LÃNG MẠN

Chủ nghĩa hậu hiện đại là cách lãng mạn thời hip hop.

 

ĐA THẦN GIÁO

Làm thơ hình như là trở lại thời đa thần giáo.

 

PHÁT MINH

Đi đến nơi về đến chốn không phải lúc nào cũng hay.

Đi đến nơi về đến chốn khác nhiều khi còn hay hơn. Nó có cơ may tên là phát minh.

 

NÓI VÀ KHÔNG NÓI

Dám nói những điều mình biết chống lại áp lực của chung quanh là một cử chỉ can đảm.

Dám không nói những điều mình không biết chống lại áp lực của bản thân có khi còn can đảm hơn.

 

BẢN ĐỒ QUÂN SỰ

Trong dòng những nghệ sĩ Nga rời khỏi nước sau Cách mạng tháng Mười có Stravinski. Khi qua biên giới, một chiến sĩ biên phòng phát hiện trong hành lý nghèo nàn của ông một tài liệu khả nghi: đó là bức chân dung của nhạc sĩ do Picasso vẽ.

Người lính biên phòng giữ ông lại và hỏi:

-         Ông phải nói thật. Đây là bản đồ căn cứ quân sự nào?

Stravinski trả lời:

-         Đây là bản đồ quân sự của mặt tôi.

 

BẮT CHƯỚC

Con khỉ bắt chước vì bản năng.

Con người bắt chước vì học thức, nó nhiều khi chỉ là một bản năng được phong hàm.

 

NHIỀU NGHIỆM

Cái hấp dẫn nhất của tình yêu cũng như của thơ nằm ở những ẩn số. Đó là một bài toán có nhiều nghiệm.

 

DẠI TÌNH

Trong tình yêu không ai được coi là khôn ngoan và đều có nguy cơ nhiễm virus dại tình.

 

BẤT CẬP

Câu nói nổi tiếng của cổ nhân: “Người nói không có tội. Người nghe theo đó sửa mình” là bất cập. Nhỡ anh lợi dụng quyền miễn tố của người nói để tố điêu thì sao?

 

 

 

LẠC QUAN

Người lạc quan là người chia tương lai ở thời hiện tại chứ không phải hiện tại ở thời tương lai.

Một chủ nghĩa lạc quan bây giờ và ở đây.

 

TIỀN GIẢ

Nhà thơ có thể bị coi là một người tiêu tiền giả vì anh ta thường sử dụng tiền của tương lai.

 

SÁNG

Hai ngôi sao ca nhạc chỉ khác nhau có một dấu. Một người sáng lòe, một người sáng lóe.

 

TÌNH CA

Theo nhà thơ X, lịch sử tình ca loài người chỉ là quá trình hiện diện của hai từ anh em chia theo những thức khác nhau.

 

ĐIỀU ĐÁNG LO

Điều lo lắng nhất của một trí thức là trở thành một trí ngủ.

 

THÁNH THIỆN

Các đấng cứu thế phải hết sức cảnh giác với những tên độc tài vị thành niên núp dưới áo choàng thánh thiện của mình.

 

MIỄN TỐ

Trăng già đã làm chứng cho không xuể những lời thề giả mà vẫn được tình yêu miễn tố.

 

LÝ TƯỞNG VÀ TÌNH YÊU

Lý tưởng được nuôi dưỡng bởi những vỡ mộng cũng như tình yêu bởi những thất tình.

 

CHUNG TÌNH

Thật ra Đông Juăng (Don Juan) là một kẻ chung tình nhất, chung tình với tình yêu.

 

KHÔNG ĐÁNG SỢ

Trong cuộc đời bình thường nhất của mọi người, cái không đáng sợ nhất chính là sự sợ hãi.

 

 

TÂM LÝ HỌC

Một trong những nan giải của nhân loại là dựa vào những kiến thức của tâm lý học để tiếp cận tâm phi lý học.

 

ĐIỆN TÂM ĐỒ

Người ta không yêu trên cơ sở những điện tâm đồ cũng như không tìm đến thiên đường dựa theo những bản đồ địa chính.

 

THA HÓA

Các triết gia cảnh báo nhiều về nguy cơ tha hóa mà hơi ít về nguy cơ đồng hóa, nó cũng là một hình thức tha hóa.

 

DÂN CHỦ VÀ CHUYÊN CHÍNH

Thời trang là dân chủ, thời thượng là chuyên chính.

 

OÁI OĂM

Người ta thường đánh giá cái mới, cái chưa biết bằng những cái đã biết rồi. Đó là nguyên nhân sinh ra tình trạng oái oăm: thằng chết cãi thằng khiêng.

 

ĐIÊN

Điên là giới hạn của sự tỉnh táo. Đặc điểm của nhà thơ là khả năng mở rộng giới hạn này chinh phục những vùng điên mới.

 

PRÔMÊTÊ

Ngọn lửa Prômêtê (Promethée) đánh cắp được của Thượng Đế không phải chỉ soi sáng mà còn đốt cháy.

Con người không đơn thuần là một sinh vật của trí tuệ mà còn của lòng đam mê.

 

THIÊN ĐƯỜNG

Tình yêu có thể là hồi ức về một thiên đường đã mất, cũng có thể là một dự cảm về một thiên đường tương lai.

 

BẾN MÊ

Ngôn ngữ đường phố nói rất hay về hai người yêu nhau. Cậu X cô Y. Tình yêu là bến mê không kỳ hạn. Nó bổ sung hương vị cho cái tỉnh táo không phải lúc nào cũng hay của kiếp người.

 

BÉTTOVEN (BEETHOVEN)

Béttôven có tuyên bố một câu rất hay: Ai yêu nhạc của tôi sẽ tránh được sự bất hạnh.

TIỀN KIẾP

Có lẽ một số nhà thơ sến nói đúng, tình yêu bắt rễ từ tiền kiếp.

 

TRỜI XANH

Trời xanh cũng như mắt xanh không nói gì và nói tất cả.

 

BỊ TƯ DUY

Đã từ lâu con người nhiều khi không tư duy nữa mà bị tư duy. Những phương tiện truyền thông đại chúng đã tư duy thay cho nó.

 

QUANH QUẨN

Việc sản xuất ra một hiện tại còn thiếu sót quan trọng hơn việc quanh quẩn trong những truyền thống hoàn hảo.

 

BỆNH TẮT MẮT

Tôi nhớ mãi một câu của Stravinski: Tất cả những gì tôi yêu, tất cả những gì tôi thích, tôi đều tìm cách biến chúng thành của mình. Chắc chắn tôi bị nhiễm một dạng đặc biệt của chứng tắt mắt (kleptomanie).

 

THÁM TỬ

Nhà thơ là một thám tử suốt đời truy tìm một bức thư bị đánh cắp hay một từ ngoại phạm cho một tội tình.

 

CHUYÊN NGHIỆP HÓA

Thế kỷ XXI, tất cả đều đòi hỏi một trình độ chuyên nghiệp cao, chỉ tình yêu là nhất thiết không cần và không nên chuyên nghiệp hóa.

 

HẤP DẪN

Một trong những điều hấp dẫn nhất của thân phận người là đến từ một ẩn số, đi tới một không biết và có quyền tự do cấp cho cuộc sống của mình một ý nghĩa khác.

 

THẦM THÌ

Thơ hay bao giờ cũng có một tiếng thầm thì. Đó là tiếng gọi nhau của chữ.

 

ÁNH SÁNG

Một trong những thiếu sót của các nhà triết học thế kỷ Ánh Sáng là đánh giá quá cao ánh sáng và quá coi nhẹ bóng tối.

Thế kỷ Ánh Sáng rất cần những đêm trăng suông.

 

 

CÓ THỰC

Theo danh họa Benme (Bellmer), một vật thể chỉ thực khi nó bị ham muốn làm cho biến dạng. Một vật thể đồng nhất với bản thân nó hoàn toàn không hiện thực. Người đàn bà ta yêu không còn là người đàn bà thực của đời thường, người đó đã bị tình yêu của ta làm trở thành bất thường và duy nhất. Và chỉ người đàn bà đó đối với ta là có thực.

 

LA CĂNG

Người ta hình như không thống nhất nghĩa câu nói nổi tiếng của La Căng (Lacan): “Vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ”. Tâm phân học không phải một văn bản. Đó là một tiền văn bản. Nó không phải lời mà sinh ra lời.

Nhà tâm phân học không phải chỉ lý giải một văn bản của vô thức đã có sẵn, anh ta vừa lý giải vừa sản sinh ra nó.

Có lẽ đó là ý nghĩa lời tuyên bố khó hiểu của La Căng: “Tôi là người tay trắng làm nên duy nhất của thế kỷ XX.”

 

LỜI LANG THANG

Nhà tâm phân học họ hàng bên nội với nhà thơ. Anh ta cũng là người của lời lang thang.

 

PHỎNG VẤN

Bài thơ là cuộc phỏng vấn chữ đáng tin cậy nhất.

 

TAY VÀ ÓC

Miken Lănggiơ (Michel Ange) hơn một lần nhắc nhở các họa sĩ trẻ: Người ta không vẽ bằng tay mà bằng óc.

 

HẤP DẪN

Cái hấp dẫn nhất trong đời một nhà văn không phải chuyện những chìm nổi trong tình trường mà chuyện phiêu lưu trong phong cách của anh ta.

 

ÂM NHẠC

Trên bàn giấy của bác sĩ nổi tiếng thế giới Micôpxki (Mikowski) bản tổng phổ một xonát của Bach chiếm một vị trí danh dự. Nhà bác học không thể chấp nhận làm thầy thuốc mà không yêu âm nhạc. Niềm say mê âm nhạc đảm bảo người ta sẽ không dửng dưng trước những nỗi đau của đồng loại.

 

PHÉP ĐỐI XỬ

Viết là đối xử với văn phạm như một bạn chơi chứ không phải như một nhân viên trật tự thô lỗ.

LÝ TÍNH LƯỠNG LỰ

Làm thơ không đòi hỏi một lý tính quyết đoán mà một lý tính lưỡng lự. Nó là khởi điểm của những kỳ tưởng.

 

GÒ BÓ

Người ta thường hiểu lầm rằng người nghệ sĩ cách tân chủ trương xóa bỏ mọi gò bó. Không. Anh ta chỉ đòi xóa bỏ những gò bó lỗi thời và phi nhân tính để tự giác đề ra cho mình những gò bó tự do hơn. Không có những gò bó thì cũng không có nghệ thuật.

 

NGHỊCH LÝ THẰNG CUỘI

Từ tất cả là một từ thiếu suy nghĩ. Khi dùng từ tất cả đừng bao giờ quên “nghịch lý thằng Cuội” nổi tiếng:

Một người dân đảo Crét phát biểu: “Tất cả dân đảo Crét đều nói dối.”

Nếu tất cả dân đảo Crét đều nói dối, với tư cách là một người dân đảo Crét, anh cũng là một kẻ nói dối, lời khẳng định của anh không đáng một xu.

Nếu anh nói đúng như vậy có nghĩa là anh nói sai vì tất cả dân đảo Crét không phải ai cũng nói dối.

Từ tiên đề thô sơ lâu đời này, nhà bác học người Áo Gödel thế kỷ XX đã phát triển thành lý thuyết bất toàn (théorie d’incomplétude) nổi tiếng.

 

KHOẢNG TRỐNG

Theo Moris Matsu, nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản chủ yếu là để luân chuyển không khí qua những bông hoa, là chơi với những khoảng trống. Thơ cũng vậy. Thơ sợ nhất là những nghĩa đầy.

Làm thơ là tạo ra những khoảng trống để bản thân nhà thơ có thể vào đó chung sống với chữ.

 

NGỘ

Ngộ ở tâm chứ không phải ở trí. Nói vậy là chưa ngộ. Trong địa hạt của ngộ, tâm và trí là một. Đó là tâm trí.

 

LỜI KHUYÊN CỦA THIỀN SƯ

Một đại thiền sư khuyên: “Hãy sống như một nghệ sĩ chân chính của sự sống, gắng nở cùng bông hoa mình đương vẽ và róc rách cùng dòng suối bên nhà.”

Tác phẩm ở nơi tác giả, nhưng tác giả lại ở nơi tác phẩm.

Bá Nha nói khi tấu nhạc, ông không biết cây đàn là Bá Nha hay Bá Nha là cây đàn.

 

TRUYỆN NGẮN HAY

Một truyện ngắn hay là một truyện ngắn không bị nội dung làm cho nghẹt thở.

GIẢI HỌC TẬP

Có một thời gian để học tập và một thời gian để giải học tập (désapprendre).

Ai cũng biết Lêôpôn Xengo (Léopold Senghor) và Emê Xêde (Aimé Cézaire) là hai ngọn đèn pha của nền thơ da đen thế kỷ XX, những người suốt đời đấu tranh cho bản sắc lục địa đen (négritude) trong nền văn hóa nhân loại.

Trong thời gian giải học tập, tôi đã cố gắng quên và thật sự đã quên được nhiều bài trường ca đầy tâm huyết và lý tưởng cao đẹp của hai ông nhưng không sao quên được một số câu thơ tình các ông làm khi rỗi rãi.

Câu thứ nhất là của Xengo: Những gái châu Phi mình cá ngựa

Câu thứ hai là của Xêde: Để nghĩ đến em, anh đem tất cả chữ tồn kho đến tiệm cầm đồ.

 

GIẢI NOBEL

Năm 1901, khi tìm kiếm một nhà văn xứng đáng khai mạc giải Nobel văn học thế giới, hầu như tất cả Hội đồng đều dễ dàng nhất trí đề cử nhà thơ Pháp lừng lẫy Xuyli Pruyđom (Sully Prudhomme), tác giả những bản trường ca hùng hồn và lôi cuốn vinh danh sự tiến hóa cao cả của nhân loại.

Cả những câu thơ đầy nhiệt huyết cả giải Nobel danh giá đã không cứu nổi nhà thơ khỏi sự lãng quên khốc liệt của thời gian nếu không có bài thơ tình “nhỏ” của ông, bài “Chiếc bình vỡ”:

Bình đã vỡ

Xin ai đừng đụng nữa

Lời thơ hồn nhiên mộc mạc đến vụng dại như tiếng vật nài nghẹn đập một trái tim đêm bị thương đã cứu Pruyđom.

Có nhà phê bình, nguyên giáo sư đại học đã nhận xét tinh tế: vỡ là không chuẩn, bình đã vỡ thì còn cắm hoa sao được nữa, và đề nghị thay bằng tính từ rạn (félé).

Đúng là hợp cách hơn, có điều nó đã giết chết bài thơ. Một bài thơ không phải một bài tập làm văn của học trò. Nhớ một câu thơ nổi tiếng của Aragông: “Tất cả bắt đầu bằng một lỗi Pháp ngữ”.

 

THẾ NÀO VÀ TẠI SAO

Một trong những nhược điểm của một số triết gia là nặng về câu hỏi thế nào và nhẹ về câu hỏi tại sao.

 

THỨ PHẨM

Một tác phẩm đáp ứng tất cả những đòi hỏi của lý luận chỉ có thể là một thứ phẩm.

 

HÀNH ĐỘNG MỸ HỌC

Lộ trình của tư duy là đi từ chỗ cảm thụ (sensible) đến trí thụ (intelligible). Đó là hai mặt tương sinh của một hành động mỹ học.

BÚT PHÁP

Bút pháp là một hành động văn hóa chống lại sự xáo trộn phá hoại của thời gian, họ hàng với cái chết. Nó cũng là lời giải đáp cho câu hỏi tồn tại hay không tồn tại của tác phẩm.

 

TÌNH NGHĨA

Cần rất nhiều văn hóa và kỷ niệm để chuyển đẹp từ tình yêu sang tình nghĩa.

 

THIỂU SỐ

Nhà thơ là người thiểu số vùng sâu vùng xa của ngôn ngữ suốt đời chưa sõi tiếng phổ thông.

 

MẮT CẢM

Kli (Klee) từng nói: “Một mắt nhìn, một mắt cảm”. Không ít họa sĩ chỉ vẽ có một mắt. Họ không chịu hiểu rằng họa phẩm không phải chỉ là một hiện thực nhìn thấy mà còn là một hiện thực cảm thấy, nó thuộc lĩnh vực của ham muốn.

 

DANH CA

Danh ca Kristô Lutvic (Christo Ludwig) kể rằng: Hai ngày trước một buổi công diễn, một số ca sĩ lấy băng bịt mồm lại, để bảo đảm mình không mở miệng.

 

VĂN HÓA

Đồng ý không phải là sở trường mà là sở đoản của văn hóa. Nhiệm vụ chủ yếu của nó là sản xuất ra cái khác.

 

THỦY THỦ

Theo Hăngri Misô (Henri Micihaux), nhà thơ là một thủy thủ chung thân du hành dị ứng mọi bến đỗ.

 

ĐỒNG PHỤC

Cái nguy nhất của một chế độ độc đoán không phải ở chỗ cấm nói mà ở chỗ buộc mọi người phải nói theo một kiểu đã định sẵn. Thời trang của nó là đồng phục.

 

HÀNH TRÌNH DÀI NHẤT

Theo Giacometti, cuộc du lịch chân dung mình là hành trình khó khăn và lâu dài nhất.

BIẾT ĐÙA

Phần lớn các tôn giáo đều quá nghiêm túc chỉ có Thiền là biết đùa.

Hecman Hétxơ (Hermann Hesse) cho rằng “Cái nghiêm túc là một hiểu lầm xuất phát từ sự phóng đại giá trị của thời gian. Trong vĩnh hằng, thời gian không tồn tại. Vĩnh hằng là khoảnh khắc dài vừa đủ một lời bông phèng.”

 

TÔN GIÁO

Boócgiet (Borges) không ngớt lời ca ngợi một người bạn ông đã sáng tác ra mười hai tôn giáo để thiên hạ có thể thay đổi hàng tháng và những người sinh tháng Giêng có thể có một tôn giáo khác những người sinh tháng Chạp.

 

MÙA BỘI THU

Nhà thơ là người lao động ở môi trường tâm áp cao mà không có bồi dưỡng độc hại để sản xuất giống cho những mùa tình bội thu.

 

TRIẾT HỌC VÀ THƠ

Một nhà lý luận viết về triết học và thơ như sau:

Triết học ưu đãi sự sáng sủa. Thơ ngược lại khuyến khích sự kì bí.

Đối với triết học, ngay cả bóng tối cũng sáng. Đối với thơ, ngay cả ánh sáng cũng tối.

Đó là hai cực của ngôn ngữ.

 

MÔNG TE NHƠ

Cái lớn lao của Môngtenhơ (Montaigne) nằm ngay chính bản thân sự khiêm tốn của ông. Môngtenhơ chưa bao giờ mong muốn làm một vĩ nhân, ông chỉ mong muốn sống một cuộc đời “có thể thứ lỗi được”. Người ta còn đồn rằng câu nói dưới đây cũng là của ông:

Người quân tử hãi nhất những dũng sĩ không mất tiềnnhững anh hùng miễn phí.

Nhưng cách bút đậm đặc hiện đại khiến còn tồn nghi.

 

LÝ THUYẾT HỖN ĐỘN

Trật tự sinh ra từ hỗn độn. Khái niệm vật lý này có thể được sử dụng như một khái niệm mỹ học 100%.

 

KIẾM ĐẠO

Hiru Michizuki (Hiroo Misizuki), một võ sư Nhật danh tiếng cho rằng: kiếm là một dụng cụ sư phạm để tu dưỡng sự tập trung tư tưởng và tự làm chủ bản thân. Ông không ưa dùng từ kiếm phápkiếm đạo.

Không biết có nên theo gợi ý của một số nhà thơ đời Tống, gọi thi phápthi đạo không.

 

 

CƯỜI

Cuộc đời không đến mức quá nghiêm túc để ta đau lòng vì nó. Có lẽ chính vì vậy mà lúc nào Phật cũng tủm tỉm cười.

 

CÁI MỚI

Cái mới thường vượt biên không có giấy thông hành.

 

THƯ VIỆN BỊ CHÁY

Một câu ngạn ngữ Phi Châu đáng nhớ: Một ông già chết đi là một thư viện bị cháy.

 

CẦN

H. Elít (Havelock Ellis) có một nhận xét rất được: Người lớn cần những chuyện tình dục như trẻ thơ cần những chuyện thần tiên.

 

CHỮ INỐC

Theo Jacốpxông (Jacobson), thơ có nhiệm vụ bảo vệ mọi định thức của loài người, chống lại nguy cơ han rỉ. Thơ là chữ inốc.

 

CHÂN LÝ

Một chân lý ra đời bao giờ cũng sửa sai một định kiến.

 

DỞ HƠI

Barbara, nhà sinh học giải Nobel 1983 thường bị giới khoa học đương thời cho là dở hơi vì bà chuyên nghiên cứu những biệt lệ và tìm hiểu những “sai lầm” của tự nhiên.

Hãy nghe những lời phát biểu “hâm pha điên” của bà:

Những mô thức cung cấp sẵn những câu trả lời. Nếu người ta thấy trong tự nhiên một cái gì khác với những câu trả lời này, người ta sẵn sàng không chấp nhận và thẳng thừng gạt bỏ nó như một sự sai lầm. Thậm chí người ta còn mớm cung cho tự nhiên để nó thú nhận sai lầm.

 

SỐNG ĐẸP

Nít sơ (Nietzsche) đặc biệt bận tâm đến những phong cách sống. Ông phân biệt sống phải của luân lý (morale) với sống đẹp của đạo đức (éthique).

Luân lý gần luật pháp. Đạo đức gần mỹ học.

 

BẤT HẠNH

Suốt đời Ximôn đờ Bôvoa (Simone de Beauvor) kiên quyết phản đối những ai chấp nhận bất hạnh như một hiện tượng tự nhiên.

 

BẤT QUẦN

Trong số các nhân vật của Kim Dung, tôi thích nhất Nhạc Bất Quần, vị chưởng môn chính phái lúc nào cũng khuôn vàng thước ngọc, cũng đạo mạo nghiêm túc.

Tác giả đã tìm ra một hợp từ đặc biệt “thơ” để mệnh danh đức ngụy quân tử năm bờ oăn này: Nhạc Bất Quần. Đã không có quần (bất quần) thì còn đạo mạo nghiêm túc với ai!!!

 

HIỂU LẦM

Một câu nói thường bị hiểu lầm của Misen Lêrix (Michel Leiris): Sợ cái chết, tôi ghét sự sống và cố gắng không là gì cả để cái chết bỏ quên.

 

TÁC PHẨM

Tôi nhớ mãi câu nói sau đây của Klee: Tác phẩm tuyên bố sự thất bại của mọi lý thuyết.

 

TOA LÉT

Lútx (Adolph Loos), nhà kiến trúc sư kiệt xuất người Áo có một nhận xét hết sức độc đáo: Người ta có thể xét mức văn hóa một quốc gia ở độ xuống cấp những toa lét sở tại.

 

VĂN MINH HIỆN ĐẠI

Văn minh hiện đại hình như bắt đầu khi hai người Hy Lạp vô danh trên đường tới nghe những lời phán truyền của thần Apôlông bỗng nổi hứng kéo nhau vào một tiệm rượu và mải chuyện trò về sự đời quên mất buổi lễ trọng tại đền Đenphơ.

Lần đầu tiên họ cảm thấy cuộc đối thoại hấp dẫn hơn buổi nguyện cầu.

 

CÓ ÍCH VÀ CÓ HẠI

Basơla (Bachelard) hơi cực đoan nhưng không phải không có lý khi phát biểu:

Các nhà bác học thường có ích cho khoa học phần nửa trên cuộc đời và có hại ở phần thứ hai.

Có lẽ vì ở nửa phần trên họ mải tìm, nửa phần dưới họ mải giữ.

 

VÙNG PHỦ SÓNG

Nhà thơ luôn tranh chấp với công ty điện thoại di động về vùng phủ sóng.

 

KHOẢNG CÁCH

Từ học thuật đến học thật có một khoảng cách khá xa mà không phải học giả nào cũng vượt qua được.

 

 

HƯƠNG VỊ

Rôlăng Báctơ (Roland Barthes) nói về nhà văn lý tưởng của mình:

Không mảy may quyền uy, một chút kiến thức, một chút minh triết, và tối đa hương vị có thể.

Ông cũng tự nhận xét: Sự ngốc nghếch không phải điểm mạnh của tôi.

 

SÁCH HAY

Mọi sách hay đều hấp dẫn. Không phải mọi sách hấp dẫn đều hay. Sách bán chạy chủ yếu là một tiêu chuẩn thị trường không phải một tiêu chuẩn văn học.

 

TIN VÀ HOÀI NGHI

Không có niềm tin lấy sức đâu mà hoài nghi.

 

THỦ THỈ QUYẾT LIỆT

Sêkhốp (Chekhov) không ưa nói to. Ông chỉ thủ thỉ, thủ thỉ một cách quyết liệt:

Những phương tiện bỉ ổi để đạt tới những mục tiêu cao thượng khiến chính những mục tiêu trở thành bỉ ổi. Nếu tôi làm một chính khách tôi không bao giờ dám bôi nhọ hiện tại nhân danh tương lai, ngay cả tương lai người ta hứa hẹn một trăm kilô toàn phúc đổi lấy một lạng dối trá hèn nhát.

 

PICÁTXÔ

Một kẻ đùa dai phôn hỏi Picátxô (Picasso):                                   

-         Ngài có phải Picasso không?

-         Có thể.

-         Tôi xin nhắc lại: Ngài có phải đích thực Picasso không?

-         Chưa chắc.

 

LÀM MỐI

Nhà thơ làm mối cho những từ chưa quen biết nhau, càng xa lạ càng tốt.

 

ĐOẢN NGÔN

Jăng Cốctô có biệt tài đoản ngôn. Ta hãy xem:

Nhà sinh vật học Fabrơ (Fabre) viết một cuốn sách về loài côn trùng. Ông không yêu cầu chúng phải đọc nó.

 

KHIẾM THÍNH

Về già Béttôven (Beethoven) bị khiếm thính. Có lẽ ông mải nghe những âm thanh khác.

 

 

HỌC NHỚ

Trong cuộc sống lưu đày xa tổ quốc, xa kỷ niệm xa cả dĩ vãng lẫn tương lai, trong một bệnh mất trí nhớ trầm trọng, nhà thơ Nga Brôtxki (Brodski) học nhớ lại tên mình bằng thơ.

 

MẶT NẠ

Muốn chống lại quyền lực ma quái của khách thể, tốt nhất là đóng giả chúng. Đó là nguyên lý về những mặt nạ của Kiếccơga (Kierkegaard)

 

VẬT DỤNG VÀ VẬT CHƠI

Theo Pônggiơ (Francis Ponge), tất cả nỗ lực của nhà thơ là tìm cách biến những vật dụng (objet) đời thường thành những vật chơi (objeu) đời chữ.

 

ĐÔNG KISỐT

Dưới mắt Fucô (Foucault), Đông Kisốt được coi là cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên trong lịch sử văn học. Xécvăngtéc (Xecvantes) đã lẫn lộn chữ (mot) với vật (chose) và mê mải sống cuộc đời chữ như một nghiệm sinh thật sự. Thư viện đã trở thành cuộc đời.

 

VĂN HÓA VÀ NGHỆ THUẬT

Cái khác biệt cơ bản giữa văn hóa và nghệ thuật là nghệ thuật thường vượt qua mọi hình thức đã thủ đắc của văn hóa. Nghệ thuật vượt qua câu trả lời của văn hóa đến một câu hỏi tiếp. Blăngsô (Blanchot) đề nghị gọi nghệ thuật là hiện tượng hậu văn hóa.

 

KHAI KHẨU

Các nhà thơ hiện đại không chỉ bằng lòng với việc tổng vệ sinh cho những từ của bầy đàn, họ có tham vọng khai khẩu một ngoại ngữ câm lúc bấy giờ mới lên tiếng, một thứ ngôn ngữ khiếm thính mà chỉ những người điếc như Bét tô ven mới nghe được.

 

Ý KIẾN LẠ

Misô có những ý kiến rất lạ đồng thời rất sâu sắc. Theo ông đa số người dân đều ít nhiều sống “lậu”. Bằng cớ họ đều hốt cảnh sát, đại diện cho luật pháp. Mà luật pháp cũng như công quyền chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ. Nhiều người dân cho rằng mình chỉ hiện diện cho “đủ mặt” và không cần thiết cho cộng đồng. Luật pháp phải chú ý nhiều hơn nữa đến điều kiện đủ của mình.

 


 

RỖI MỒM

Rỗi mồm là ca phổ biến và đặc biệt tồi tệ của hội chứng “nhàn cư vi bất thiện”.

 

THEO TỰ NHIÊN

Hiện thực “vẽ theo tự nhiên” có lẽ phải sửa lại “theo một tự nhiên khác”, nó có thể là nội tâm của tự nhiên.

 

JABÉT

Mấy câu thơ đáng ghi lại của E. Jabét (Jabes), nhà thơ Pháp gốc Do Thái:

Không ai xa lạ hơn một người chết

Mọi người chết đều Do Thái, xa lạ với những người khác với chính họ.

 

SÁNG THẾ

M. Eliađơ (Mircea Eliade) cho rằng nhà thơ phát hiện thế giới như một kẻ đồng thời của ngày Sáng Thế.

Mỗi nhà thơ lớn đều làm lại thế giới như thời gian và lịch sử không hề tồn tại.

 

HÌNH ẢNH

Hình ảnh giống như một câu đố “kiển tố vừa đố vừa bảo”. Nó nói lập lờ mà chủ yếu là gợi ý hay nói như Rôlăng Báctơ, nó “không nói nghĩa mà địa điểm của nghĩa.”

Hình ảnh không nói cái này và cái kia. Nó đồng thời nói cái này và cái kia. Hơn nữa, cái này là cái kia.

 

LỄ PHỤC SINH

Trong sử thi của hầu hết các dân tộc, cái chết thường được mô tả như một cuộc du hành sang cõi khác. Thơ cũng là cuộc du hành sang một cõi khác vì thế nó giống cái chết. Các bài thơ hay bao giờ cũng nên ăn mừng như một lễ Phục Sinh.

 

LỊCH

Lịch không phải hiện thực thời gian mà là văn phạm của thời gian

 

ĐƯƠNG LƯỢNG

Bắt chước hiện thực là tạo ra một hiện thực giả, một hàng nhái. Nghệ thuật chưa bao giờ chủ trương bắt chước hiện thực, mà cố gắng tạo ra một hiện thực khác “đương lượng”.

 

 

 

 

MÃI XANH

Nhiều nhà lôgic học nhận xét câu nói nổi tiếng của Gớt (Geothe): “Mọi lý thuyết đều xám, riêng cây đời mãi xanh” là hay về mặt văn chương nhưng không chặt chẽ về mặt lôgic. Không phải chỉ cây đời mãi xanhcây lý thuyết cũng mãi xanh.

 

KHẲNG ĐỊNH VÀ PHỦ ĐỊNH

Hình như đọc được của Nít sơ:

Ngay từ khi con người tư duy, nó đã đưa vi trùng hận thù vào vạn vật.

Khẳng định là một cách phủ định sang trọng nhất.

 

ỐC ĐẢO

Nhà thơ đến từ sa mạc với một từ ốc đảo.

 

CHỮ TÁC, CHỮ TỘ

Các đấng thánh hiền dạy tông đồ phải chống lại bản thân, họ thường hiểu phải chống lại kẻ khác.

 

DẠY DỖ

Một trong những lầm lẫn lớn của loài người là quá hi sinh dạy dỗ người khác đến mức quên tự dạy dỗ bản thân.

Chính vì vậy mà tôi đánh giá rất cao Môngtenhơ nhà tư tưởng Pháp kiệt xuất thế kỉ XVI.

Tác phẩm cơ bản của Môngtenhơ đồng thời cũng là một tác phẩm hàng đầu trong tủ sách nhân loại có tên là Tiểu luận (Essais)- Essai theo ngữ căn tiếng Pháp có nghĩa là Thử Bút- Lời kết luận của Môngtenhơ là một câu hỏi Tôi biết gì? (Que sais je?) Niềm tin của ông là sự hoài nghi.

 

KHÔNG CÓ HẬU

Lộ trình của nhiều nhà cách tân thường không có hậu. Họ đi từ những phân tích mở và độc đáo đến những kết luận đóng và độc đoán.

 

HAI NHÀ VĂN

- Vônte là một kẻ ki bo về tiền nong nhưng hào phóng về trí tuệ. Ông đã hiến toàn bộ gia tài tư tưởng đồ sộ của mình cho quỹ chữ thập đỏ chống cường quyền và mê tín.

- Nécvan là một nhà thơ điên. Trong bóng tối của vô thức ông lần mò đến tự treo cổ lên cột đèn. Đó là di chúc ánh sáng cuối cùng của nhà thơ.

 

 

 

XỈA RĂNG

Nghe chuyện Villiers de L’Isle –Adam khi sắp qua đời trên giường bệnh yêu cầu một cái tăm xỉa răng, tôi đinh ninh đó là một chuyện bịa 100% hay chí ít cũng là một trò diễn “môve gu” của nhà văn nổi tiếng kì quặc này.

Với thời gian cùng việc giao lưu với các đại gia văn hoá nhân loại, tôi mới vỡ lẽ… Giác ngôn đâu như của Nitsơ:

- Chân lí phát từ miệng người nào ra mang hơi thở của người đó.

Các nhà tư tưởng phải cẩn thận lắm trong việc vệ sinh răng miệng mới được.

Biến tấu: Bọn tham quan thường mắc bệnh thối mồm vì ăn bẩn không xỉa răng – Chúng là một lũ vô liêm xỉa.

 

TỰ ĐIỂN MỚI

Quan tham gồm những kẻ có quyền tham quan và cầm nhầm tài sản Nhà nước.

Có vị thẩm phán để nghị xử lí hành chính họ thật nghiêm về lỗi thiếu trách nhiệm cũng như sơ ý và phạt họ 50.000 tiền pôlime, tiền có độ an toàn cao (!!!)

 

BÌNH ĐẲNG GIỚI

Không có con hoang chỉ có những người bố khai hoang trái phép. Ngôn ngữ bình đẳng giới gọi họ là lâm tặc.

 

CÚNG CƠM BÁC NGUYỄN PHỞ

Giáo điều là những kẻ vô văn hóa ẩm thực ăn chủ nghĩa cả lông.

 

THÀNH KHẨN

Nhà phê bình cả tiếng Thanh Đa là một bút phủ. Ông đã mấy lần định chém nhà thơ Ngang một nhát chết tươi.

Trong một bài lí luận dài “Phấn đấu cho những Đồng Xuân” ông tố cáo:

“Thái độ ngoan cố bôi đen chế độ khiến ta không khỏi đánh dấu hỏi về lòng yêu nước của tác giả”

Ai cũng tưởng Ngang đánh bài “36 chước”. Không, Ngang trả lời công khai bằng văn bản trên báo “ Chấm Com”:

Tôi chịu ông.

Kí tên đã sửa: Dọc

 

CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI

Chủ nghĩa hậu hiện đại không được giá vì thiếu mặt tiền.

 

NGHỆ THUẬT SẮP ĐẶT

Nghệ thuật sắp đặt có một nhược điểm: Nó thường quên chỗ của tác giả.

Đó lại là một điểm mạnh trong bố cục nhân sự.

 

TIỆM TRANH

Hoạ sĩ X chủ tiệm tranh Tương lai là một doanh nhân thành đạt và một nghệ sĩ phá sản.

 

LẪN

Nhà thơ X càng già càng lẫn – Ông cứ khăng khăng nhận mình là ông từ đền Ngọc Sơn.

 

NGOẠI NGỮ

Cô X đạt điểm xuất sắc môn Anh văn và đậu thủ khoa trường ngoại ngữ.

Cô nói tiếng “lào” ra tiếng “ý”.

 

THỜI SỰ VĂN HỌC

Từ hội nghị phê bình và lí luận văn học Đồ Sơn, trên đường về hai nhà văn quá hứng khởi trị nhau bằng liệu pháp vật lí trên ô tô.

- Nhà văn X. rất mê thư pháp – Ông luyện công phu để viết thật siêu câu thơ

         Tiên học võ hậu học văn.

 

BI KỊCH

Người ta thường ngủ chung và thức một mình.

 

CHỐNG LÃNG PHÍ

Không nên lãng phí ngôn ngữ như lãng phí tiền chùa. Ngôn ngữ cũng là tài sản quốc gia.

 

CA SĨ

Diva H nổi dài dài mà không chìm vì cô biết lặn. Đó là phép Yoga của danh vọng.

 

VĂN PHẠM

Chân, tay là hai từ đáng quý, tay chân một liên từ đáng khinh.

 

ĐỊNH NGHĨA

Sống chung nhiều khi có nghĩa là sống độc thân hai người.

Hôn nhân có thể là bước về hưu của tình yêu theo chế độ mất sức.

 

NỔI

Y là nhà thơ nổi, không phải một nhà thơ tài năng, ông tuỳ thuộc quá nhiều vào những phao tiếp thị.

 

WATERLOO

X được lịch sử đánh giá như một vị tướng bách thắng. Ông đại bại trong trận Waterloo quyết chiến với bản thân.

 

VIỆN SĨ

Giáo sư tiến sĩ Y bỏ ra 200 đô mua một bằng Viện sĩ Mĩ, phát huy truyền thống thất học của người nông dân Pháp thuộc mua Nhiêu Xã.

 

KHÁC BIỆT

Người quân tử dùng mắt để nhìn

Kẻ tiểu nhân dùng mắt để nhòm.

 

TIẾN BỘ

Cô X đi trại phục hồi nhân phẩm được đánh giá có nhiều tiến bộ. Cô đã bước đầu có ý thức về sự xấu hổ của chữ.

 

HÌNH HỌC CỬA SAU

Đường cong là đường ngắn nhất giữa hai điểm.

 

ĐIỂM SẠCH

Cửa tiếp dân của cơ quan X là một điểm sạch của thành phố. Ở đây người ta không giao lưu trực tiếp sợ lây nhiễm mà qua phong bì.

 

THÔNG BÁO

Những nghệ sĩ đố kị thường lắm ghét và cần đi tắm để bảo vệ sức khoẻ.

 

LỜI KHUYÊN CỦA THẦY THUỐC

Không nên sử dụng thuốc hết hạn và những tư tưởng quá đát.

 

TÂM PHÂN HỌC

Tâm phân học có một nhận xét hết sức cơ bản: Con người là một động vật tâm thần chung thân nhu cầu sự trìu mến.

 

KANT

Người ta nói Kant quá mải tư duy tình yêu nên suốt đời nhỡ vợ.

 

LỜI ĐIẾU MUỘN

Vũ Cận học với tôi thời Phổ thông.

Anh là một người nhút nhát bẩm sinh gắng làm thơ để tự dạy dỗ nên người can đảm hiện sinh.

Vũ Cận chưa phải nhà thơ kiệt xuất có chân trong Hội Nhà văn.

Nhưng anh là một nhà thơ có giáo dục.

 

BẤT ĐỘNG SẢN

Một số V.I.P. quan tham đã trở thành một thứ bất động sản kiểu mới. Họ bất động và không ai động được tới họ.

 

TÌNH YÊU

Tình yêu có thể là phát minh tốt đẹp nhất, cũng nguy hiểm nhất của văn hóa người. Theo báo cáo mới nhất của W.L.O. (World Love Organization): gần ¾ thế giới thành niên bị bệnh thất tình cấp hay mãn tính.

 

NÓI DỐI

Trong các tội nói dối, có lẽ dối già là đáng tha thứ nhất. Người Pháp vốn đa tình đã gọi nó là một tội xinh (péché mignon).

 

LUẬT ĐẤT ĐAI

Vĩ nhân ít nhiều đều vi phạm luật đất đai. Họ ăn tốn diện tích quá.

 

THANH TRA THỜI GIAN

Thanh tra thời gian có nhiệm vụ định kỳ soát vé khu ghế V.I.P. tầu xuyên lịch sử và khẽ nhắc nhở “Quý ông quý bà đã ngồi nhầm số”.

 

TẦU NHANH

X, nhà phê bình cấp ưu tú, là khách thường xuyên của những chuyến tầu nhanh. Ông mắc chứng xấu bụng nghề nghiệp.

 

CÁCH NGÔN

Đời ngắn- khiếu nại dài.

 

MƯỢN VĂN

Cái may lớn nhất trong đời Thanh Tâm Tài Nhân, tác giả Kim Vân Kiều truyện, có lẽ là được Nguyễn Du mượn văn, ăn trộm tên ông khỏi danh sách tự huỷ của quên lãng.

 

GIẢI LAO

Nhà thơ X nổi vì quá nhiều phao tiếp thị- Ông muốn chìm chốc lát để giải lao cũng không được. Thật mệt!

 

PHI LÝ

Người ta luôn khiển trách văn học là không cao ngang tầm thời đại. Đó là một khiển trách phi lý và tức cười.

Thời đại cao 1m80 hay 2m? Thế kỷ XIX là một thế kỷ bí bét về chính trị nhưng lại sinh ra Truyện Kiều. Vậy Truyện Kiều cao hay thấp hơn thời đại?

 

GIẢI KHUYẾN KHÍCH

Bài Hai Kâu sau đây:

Gắng chữ với thời gian tri kỷ

U thất tuần bồ nhí mộng hăm

được giải khuyến khích cuộc thi thơ tuần báo Trẻ.

Nghe đồn, X nhà thơ già trong ban giám khảo đã viết nhận xét:

“Chữ hăm cùng với chữ hâm một vần.”

Và đề nghị cho giải nhất.

Nhưng theo luật định, ông chỉ có quyền bỏ một phiếu.

 

THỜI TRANG VÀ TU TỪ

Thời trang là thuật của phái đẹp.

Tu từ là thuật của nhà thơ, một phái đẹp khác.

 

THIỆN Ý

Các đấng cứu thế nhiều khi làm khổ loài người vì chính thiện ý của họ. Họ thường mắc bệnh sốt ruột.

 

NITSƠ

Đọc đâu đó ở Nitsơ:

Tôi có một số ý tưởng hay họ toan tính dung tục hoá chúng thành những chân lý.

 

CÂU ĐỐ

-         Một thứ lương không tổ chức nào của xã hội loài người chi trả nổi?

-         Lương tâm.

 

THAM QUAN

Điểm tham quan nóng nhất của lịch sử là Suối Giải Oan.

 

TÌNH DỤC

Về khoản văn chương tình dục, hình như phái yếu mạnh hơn phái khoẻ.

Tôi chẳng việc gì phải thắc mắc về thế thượng phong của họ.

Tôi chỉ hơi tiếc họ quá ư nghiêm túc.

Nhớ Rôlăng Báctơ, tác giả cuốn “Diễn ngôn si tình” (Le discours amoureux) nổi tiếng:

“Tôi thích vừa tình dục nóng (hot) và ưu tiên tình dục mát (cool)

Tình dục nóng là đua tốc độ.

Tình dục mát là đua đường trường.

Hãy xem mốt chị Hương (Xuân) chơi tình:

Đầu sư há phải gì bà cốt

Bá ngọ con ong bé cái lầm

Hay

Quân tử có thương thì đóng cọc

Xin đừng mân mó nhựa ra tay

Tổ sư Bồ đề khoa tình dục học, Frơt, nổi danh nghiêm túc, cũng không quên món khai vị mà ông định danh là khoái lạc sơ bộ (plaisirs préliminaires) trong mơ- nuy tình.

 

VĂN HÓA NGƯỜI

Bản năng động vật đơn thuần chỉ có hai cách ứng xử: tấn công ở thế mạnh, chạy ở thế yếu.

Cách ứng xử thứ ba: đối thoại, là bước đầu tiên của văn hoá người.

 

PARMÉNIT

Parménit, nhà triết học nổi tiếng thế kỷ thứ V trước C.N. là tác giả của câu nói rất hiện đại sau đây:

“Người ta ít phát biểu những ý kiến của mình mà thường phát biểu những dư luận”.

 

THẤY VÀ TÌM

Jăng Cốctô có một nhận xét đặc biệt sâu sắc về người bạn Picatxô của mình:

Đối với Picatxô, điều quan trọng nhất là cường độ. Ông thấy trước, và tìm sau.

 

HIỀN TÀI

Hiền tài, hay “hỗn” tài đều là nguyên khí quốc gia. Các nghệ sĩ nòi đều ít nhiều dính một trọng tội: Tội kháng chỉ.

 

KẺ THÙ

Kẻ thù của bình đẳng là chủ nghĩa bình quân.

 

PHẠM TRÙ CỦA TƯ TƯỞNG

Bình giảng Nitsơ, nhà triết học hàng đầu của nước Pháp, Dơlơzơ viết:

Những phạm trù quan trọng của tư tưởng chưa phải là cái sai cái đúng mà là cái cao thượng, cái thấp hèn. Không nên quên có những chân lý của sự bần tiện.

 

THƠ CỔ ĐIỂN VÀ HIỆN ĐẠI

Trong một bài thơ cổ điển, nghĩa thường đến đúng hẹn. Trong một bài thơ hiện đại, nghĩa thường đến trễ giờ.

 

LÝ TRẤU

Cô X, phóng viên báo Thời Trang, hỏi nhà thơ già Y:

-         Sao không thấy bác xuất hiện trên truyền hình?

-         Nhà đài chưa đủ thiết bị kỹ thuật cao cho một chương trình “Người vô hình”.

 

CHÚA LỜI

Chúa Lời là bầu chủ của các nhà thơ.

 

NHU CẦU

Nhu cầu là ham muốn bị quản thúc tại chỗ.

 

CHỮ Z

Người ta kể lại rằng một thượng nghị sĩ già và trái tính đã tìm cách đưa ra biểu quyết về một kiến nghị khai trừ chữ Z ra khỏi mục những chữ cái, lấy cớ rằng việc phát âm chữ này khiến mặt người nom xấu xí như mặt một người chết (!!!)

Thượng nghị viện thảo luận rất sôi nổi nhưng không kết luận được- Người ta đành phải đi đến một biện pháp thỏa hiệp: không khai trừ nhưng lưu đầy nó ra biên giới cực hạn của tập hợp chữ cái.

 

ÁM ẢNH

Xtênbéc (Steinberg) là một họa sĩ người Rumani gốc Do Thái. Ông bị chế độ Đức quốc xã xua đuổi một cách tàn nhẫn. Năm 1943, ông xin nhập quốc tịch Mỹ. Stênbéc giải thích:

“Tôi xin nhập quốc tịch Mỹ vì đó là xứ sở của những người nước ngoài”.

Suốt đời bị ám ảnh bởi những dấu thị thực, ông chế tạo ra một con dấu tròn đóng vào hầu hết những tranh “phong cảnh chân trời góc biển” của mình.

Bức chân dung tự họa nổi tiếng của ông: “mặt là một dấu điểm chỉ”.

 

KHÔNG BÁO TRƯỚC

Hình ảnh thơ không có quá khứ. Nó chớp sáng như một đốn ngộ. Và bài thơ thường ra đời không báo trước. (Basơla)

 

THAN PHIỀN

Matitxơ (Matisse), nhà danh họa người Pháp bàn đầu thế kỷ XX, than phiền:

“Đã ba mươi năm nay, người ta không còn chế nhạo, chửi bới tôi nữa. Thật đáng tiếc!”

Hãy tự cho là hạnh phúc khi người ta còn chửi bới mình.

 

TỐT ĐẸP

Theo nhà triết học kiêm thiền sư nổi tiếng Xuduki (Suzuki): Người ra thoát ngục tù của cái tôi hiện sinh đáng được coi là bậc nghệ sĩ chân chính của đời sống”.

Vô Nan, thiền sư thế kỷ XVII, cũng viết:

Trong khi sống

hãy là một người chết

Chết hoàn toàn

rồi hành động như ngươi thích

Và mọi sự đều tốt đẹp

 

CON CẦU TỰ

Những tác phẩm hay thường là những đứa con cầu tự.

 

NHIỆM VỤ CỦA THƠ

Nhiệm vụ của thơ không phải sản xuất ra chân lý, mà những chất cường cảm, những viagra phục tráng khả năng chân lý.

 

KHÁC

Giữa con người và giống khỉ đột Châu Phi, tỷ lệ gen giống nhau là 98 trên 100.

Nghĩa là chỉ khác có 2%.

 

YÊN LẶNG

S.Beckét (Samuel Beckett) thường nói với những người xung quanh: Tôi viết để yên lặng.

 

ĐAU KHỔ

Đau khổ của con người không xuất phát từ một lỗi tổ tông mà nhiều khi vì thiếu óc tưởng tượng.

 

LỖI

Lỗi của phần lớn các nhà triết học, đạo đức học cứu thế là chủ trương cải tạo xã hội thành một nhà xưng tội khổng lồ.

 

PHÁT NGHĨA

Những tác phẩm xuất sắc thường không có Chủ nhật.

Chúng phát nghĩa bẩy ngày trên bẩy.

THƯỢNG ĐẾ

Một câu nói khó hiểu của kápka:

Đấng Cứu thế sẽ chỉ xuất hiện sau khi người tới.

Đấng Cứu thế sẽ không đến vào ngày cuối cùng mà vào ngày hôm sau.

Lời bình không kém phần khó hiểu của nhà thơ X:

Nhân loại ít nhiều đều thất tình Thượng Đế.

 

BẤT MÃN

Nghệ thuật hiện đại không chỉ bất mãn với nghệ thuật cổ điển.

Nó bất mãn cả với bản thân.

Có nhà mỹ học còn nói rằng: Bất mãn chính là ưu điểm lớn nhất của nghệ thuật hiện đại.

 

TRANH TĨNH VẬT

Một tranh tĩnh vật không vẽ tự nhiên mà một tự nhiên nằm mơ.

 

VẬT LÝ LƯỢNG TỬ

Nhận xét về lý thuyết thống nhất những hạt cơ bản của Haydenbéc (Heisenberg), N. Bo (Niels Bohr) phát biểu: “Chắc chắn đây là một lý thuyết rồ dại. Vấn đề là xem nó có đủ rồ dại để đúng không”.

 

LƯU BỊ

Nhà thơ kính trọng và nghe lời chữ như Lưu Bị nghe lời Gia Cát Lượng.

 

HỘI BÚT SẠCH

Nhà thơ X được giải môi trường của Hội bút sạch quốc tế do đã có sáng kiến cho in trên trang “bảo vệ” tuyển tập của mình thông báo: “Không xả rác tại đây.”

 

NGHĨA VÀ ĐỊNH NGHĨA

Cho rằng ngôn ngữ có thể hoàn toàn giải mã được là loại trừ nghĩa (sens), rút gọn nó thành những định nghĩa (signification).

Định nghĩa minh bạch và hữu hạn.

Nghĩa mơ hồ và bất tận.

Nghĩa có những khoảng trắng không thể lấp đầy dành cho cơ may.

 

LƯU Ý

Trong cuộc đời sống chung với chữ, nên tránh đến mức tối đa mọi hành động cưỡng bức tình dục kể cả hợp pháp.

 

 

QUÁ ĐÁNG

Nhà thơ Y đến thăm nhà văn X, nhà văn bảo người nhà ra nói rằng mình đi vắng. Một tuần sau X đến thăm Y, nhà thơ từ trong nhà nói vọng ra:

Ông Y không có nhà.

X cười: “ Ông tưởng tôi không nhận ra tiếng ông sao?” và cứ lừng lững đi vào.

Y nói: “ Ông thật quá đáng, lần tôi đến thăm, ông cho người nhà ra nói ông đi vắng, tôi tin ngay. Bây giờ đích thân tôi nói đi vắng, sao ông lại không tin?”

 

LẶN

Tiểu thuyết Đỏ và đen xuất bản ngày 13-11-1830 là một thảm bại.

Một thế kỷ sau nó được vinh danh như một trong những tác phẩm hàng đầu của nền văn học thế giới.

Người thợ lặn dài hơi Xtăngđan (Stendhal)- thời gian 100 năm- đáng được ghi tên vào sách Guiness của Olanhpíc chữ.

 

TIÊN TRI

Như ta đã biết, cuốn Đỏ và đen khi ra đời hầu như không bán được. Xtăngđan nói dỗi: “Một trăm năm sau người ta sẽ đọc nó.”

Một trăm năm sau, cuốn tiểu thuyết đúng là được ca ngợi như một kiệt tác.

Không ai nỡ nghĩ Xtăngđan là một anh nói khoác gặp thời. Người ta gọi ông là nhà tiên tri.

Định danh này có thể không thật, nhưng đúng.

 

CÔNG NỢ

Mỗi nhà văn ít nhiều đều công nợ hơn một người đàn bà.

 

BỆNH ĐƯỜNG RUỘT

Nhà thơ X bữa quen dùng chữ chưa chín nên mắc bệnh đường ruột.

 

XEM MẶT

Nhà thơ ngày nào cũng tổ chức lễ xem mặt chữ.

 

VĂN HÓA CỬA QUYỀN

Một nét văn hóa cửa quyền rất không tốt là thói quen nhận xin lỗi và quên xin lỗi.

 

THỎA MÃN

Theo Hegel, sau khi uống một cốc nước, cái khát được loại bỏ, không có nghĩa là nó đã được thỏa mãn.

 

 

ĐỌC

Người đọc văn xuôi có thể chỉ là một khách hàng.

Người đọc thơ thường là một tri kỷ.

 

NGỌC GIẢ, NGỌC THẬT

Nhà ngọc thuật X có một nhận xét rất siêu:

Ngọc có khiếm khuyết mới là ngọc thật. Ngọc không có khiếm khuyết là ngọc giả.

Cái nhược điểm lớn nhất của sự giả dối là bao giờ cũng hoàn hảo hơn sự thật. Nó là một “sự thật” liếm quá kỹ (trop bien léché).

 

CẢNH GIÁC

Một nhân viên hải quan cần mẫn là người luôn cảnh giác ngăn những hàng lậu quá cảnh.

Một nhà thơ cần mẫn là nhà thơ luôn chú ý cho các từ lậu đi qua. Rôlăng Báctơ gọi đó là sự “chú ý bềnh bồng”.

 

NHIỄU TRẮNG

Nói tất cả là không nói gì cả.

Trong tin học, người ta gọi đó là nhiễu trắng (Bruit blanc)

 

KẺ THÙ

Trong không ít trường hợp, kẻ thù chỉ là sự thất bại của chính sách đoàn kết.

 

BẤT HẠNH

Kápka (Kafka) khuyên ta nên viết về bất hạnh với những từ của hạnh phúc.

 

NẰM VÙNG

Trong mỗi người đều nằm vùng một quan tòa và một thầy lang.

 

M.C.

Mơ ước thầm kín và khó khăn nhất của tôi là trúng tuyển M.C. truyền hình.

Năm mươi năm trước, khi ba mươi tuổi, được tin tôi về lao động tại Cửa Ông, một số thanh niên hiếu kỳ lấy cớ xin nước vào xem mặt. Vừa ra đến cửa họ đã kháo nhau:

-         Nom xoàng mày ạ.

Với kỹ thuật giải phẫu thẩm mỹ hiện nay, việc cải thiện nhan sắc là việc dễ ợt.

Nhưng tôi còn một dị tật bẩm sinh hầu như không chữa được: tật nói rất khó nghe.

Thất tình, tôi đành tiếp tục làm thơ, phấn đấu thành một M.C. của chữ.

 

 

MẠNH MIỆNG

Những lời mạnh miệng thường là thứ trữ kim rởm bảo đảm cho những đồng đô la lạm phát.

 

NHẬT KÝ CỦA XTĂNGĐAN

Nhà văn có một tuổi già bệnh tật và khó khăn.

Không lâu trước khi qua đời, ông có ba điều ước: “Được tái bản năm 1900; có 6000 frăng tiền niên kim và học được bí quyết cường dương vào ngày nhất định ba lần trong một năm”.

Thật khác xa thái độ kiêu hãnh công khai thách thức giới văn học đương thời: “Năm 1935 người ta sẽ đọc tôi.”

Đây là một đoạn văn hiếm tôi đặc biệt kính trọng và nó đã khiến tôi lưỡng lự nhiều chưa dám bắt tay hồi ký. Tôi biết có dễ đến mùng thất chưa chắc mình đã có cái trung thực đến dũng cảm của nhà văn Xtăngđan.

 

TIỂU SỬ

Sau một tuần làm việc cật lực, trước thái độ căng thẳng của nhà văn nữ trẻ đến lấy tài liệu viết tiểu sử mình, H. Milơ (Henry Miller) nói với cô:

-         Đây là những điểm cần, nhưng chưa đủ về đời bút của tôi, chỗ nào cảm thấy thiếu, cô cứ việc bịa ra.

 

ƯU ĐIỂM

Trong đơn gửi Hội Nhà thơ, mục ưu điểm, nhà thơ X khai:

Chưa từng một lần bị ra tòa vì tội mưu toan ám sát thời gian.

 

PHÊ BÌNH

Xanhtơ Bơ (Sainte Beuve), nhà phê bình nổi tiếng thế kỷ XIX, chưa bao giờ được coi là nhà phê bình hàng đầu vì ông thừa cái sắc sảo của ngòi bút và thiếu cái độ lượng của tâm thức.

         

© Copyright Lê Đạt