ĐOẢN NGÔN II

 

 

LẠC QUAN

 

“ Một trong những diễn biến bình thường của cuộc sống là thay đổi thất vọng như thay đổi áo sơmi”.

Có lẽ nên thêm vào câu nói hết sức bi quan của Ciroan một ý nhỏ : Nhưng nguời ta vẫn giữ nguyên áo may-ô hy vọng !

 

LỊCH SỬ

 

Trong quá trình lịch sử nguời ta thường hẹn tương lai và chi gấp hiện tại.

 

ƯU ĐIỂM XẤU

 

Phần lớn các nhà thơ cách tân đều có một ưu điểm xấu- Họ đều vô phép trước kẻng.

 

ĂN TRỘM

 

Khi anh nhớ một câu thơ hay, anh đã ăn trộm được một chút gì đó của cái chết.

 

VÔ CẢM

 

Mù nhiều khi không đơn thuần là một bệnh nhãn khoa. Nó là một hội chứng của sự vô cảm.

 

THAM VỌNG

 

Tham vọng lớn nhất của nhà thơ là thay đổi quy chế của độc giả từ một người tiêu thụ thành một nguời sản xuất văn bản.

 

SỔ ĐỎ

 

Thơ cấp sổ đỏ cho nguời đọc. Chính vì vậy mà Heidegger gọi thơ là “nhà của bản thể”.

 

 

 

NỔI LOẠN

 

Camus đưa ra một khẩu hiệu rất được : “ Tôi nổi loạn vậy là chúng ta tồn tại”.

Người cách mạng đồng thời phải là người nổi loạn. Nếu không anh ta có cơ nguy trở thành cảnh sát hoặc công chức quay lưng chống đối cách mạng. Sự nổi loạn là chị em song sinh của cách mạng.

 

TÌNH CA

 

Một bài tình ca hay không phải một ký ức về tình yêu đã qua mà là một tình yêu hiện hành, một tình yêu bị bắt quả tang.

 

SỐNG ĂN THEO

 

Octavio Paz, nhà thơ lớn người Mêhicô có một nhận xét rất đáng nhớ “ Quá nhiều người không sống mà sống ăn theo”.

 

THÔNG BÁO

 

Ai nhớ tên tác giả câu thơ sau đây xin báo cho nhà thơ Lê Đạt, 190 Phó Đức Chính – Xin cảm ơn và hậu tạ :

“ Con người bao giờ cũng tương lai”.

 

RUTHEFORD

 

Nhà bác học người Anh này rất kỵ các nhà vật lý lý thuyết, nhưng lại rất thích thú nhà lý thuyết hàng đầu về vật lý lượng tử N.Bohr- Ông nhận xét

“ Bohr không giống các nhà lý thuyết khác. Anh ta chơi đá bóng”.

 

THƯỢNG ĐẾ ĐÃ CHẾT

 

Nietzsche có lẽ đã tỏ ra hơi vội vàng khi tuyên bố “ Thượng Đế đã chết”. Ông không hiểu rằng Thượng Đế này chết thì người ta sẵn sàng bịa ra một Thượng Đế khác.

 

KINH NGHIỆM THƠ

 

Một nhà thơ có kinh nghiệm là nhà thơ biết im lặng để nghe chữ phát biểu.

 

THÓI QUEN

 

Hình như độc giả thơ hiện đại càng ngày càng có thói quen “ fast food”.

Người ta nói rằng nhà thơ Mỹ Cummings đã tuyên bố :

“ Bây giờ và ngày mai sẽ không có bán thơ tôi ở hệ thống cửa hàng Mc Donald”.

 

HỘ KHẨU CỦA NHÀ THƠ

 

Theo E. Jabès, hộ khẩu của nhà thơ là ở ngoài ngưỡng cửa giữa những giấc mơ quá sớm và những tứ quá muộn.

 

NGHI NGỜ

 

Alêxei Batasep, nhạc sĩ jazz xô viết nổi tiếng :

“ Tôi rất nghi ngờ giá trị một nghệ thuật cũng như một tình yêu được phép”.

 

NÊN THƠ

 

Nhà vật lý Oppenheimer, cha đẻ của trái bom nguyên tử đầu tiên có một nhận xét rất thơ :

“ Một khoảnh khắc tình yêu là một nguyên tử của vĩnh cửu”.

 

FLÔBE

 

Niềm đam mê trí tuệ cũng đắm đuối như niềm đam mê tình dục. Đối với tôi, viết cũng là làm tình.

 

NGHIỆN

 

Ritsos, nhà thơ lớn người Hy Lạp bị lưu đầy trong nhiều năm trên một đảo vắng có một ý kiến thật bất ngờ: “ Tôi không nghiện rượu vì trước đó tôi đã nghiện chữ”.

 

SIÊU THỰC

 

Người ta cứ lặp đi lặp lại mãi chủ trương thơ của phái siêu thực “ viết trong mơ”, quên mất rằng đó là một giấc mơ thức. Nó đòi hỏi một khả năng “ tỉnh” đặc biệt, phải được tôi luyện trong nhiều năm. Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận xét của nhà thơ X., bạn tôi về Bùi Giáng: “ Tôi không thích cái điên nhưng thích cái rồ trong thơ Bùi Giáng”.

 

NHẢY

 

Kazuo Ohno, một vũ sư Nhật nổi tiếng cho rằng vũ trước hết là một chuyển động của tư tưởng. Ông dạy học trò “ Các em hãy nhảy không chân và không tay”

 

NGẠN NGỮ ANH

 

Một câu ngạn ngữ Anh rất hay:

Thợ bắt đầu bằng một con rệp và kết thúc bằng một Thượng Đế.

Nhà thơ không những có thói quen “ bé xé ra to” mà còn bé xé ra vô tận.

 

GÁNH NẶNG

 

 “ Gánh nặng nhất là gánh ánh sáng không chia sẻ được với người khác”. (Ritsos)

 

 

HUYỀN THOẠI

 

Trong hai cặp tình nhân huyền thoại của thế kỷ XX Elsa / Aragon và Beauvoir / Sartre, tôi ưu tiên cặp thứ hai.

Đọc kỹ những bản tình ca xuất sắc của Aragon, tôi vốn cảm thấy ông hơi “nâng giọng”, cố gắng quân bình hóa trị phương trình tình yêu = tình nghĩa

( nó vốn là một phương trình ảo).

Beauvoir đã nói không úp mở về khả năng làm tình kém cỏi của Sartre. Nhà triết học đa tình này cũng từng công khai khuyên Beauvoir sang Mỹ ở với người tình một thời gian để thay đổi khẩu vị.

Nhưng khi nhà văn Mỹ Algren chính thức đặt vấn đề và yêu cầu Beauvoir chia tay với Sartre, bà đã dứt khoát khước từ một cách đau đớn.

 

ĐINH NINH

 

Tôi trọng các nhà thơ đinh ninh nhưng trìu mến các nhà thơ bồn chồn.

Các nhà thơ đinh ninh có thể trở thành những trưởng môn lẫy lừng nhưng không có khả năng trở thành một nhà thơ tình tri kỷ.

 

 

NGẮT CÂU

 

Aristote từng than phiền rất nhiều về những khó khăn với việc ngắt câu trong những di cảo của Héraclite.

 

VIẾT

 

Theo Nietzsche “ Viết không phải chỉ là sống mà là mở ra những khả năng sống mới, giải phóng sự sống nơi nó còn bị cầm tù nhằm một dân chúng tương lai chưa có ngôn ngữ”.

 

LEVINAS

 

Các nhà luật học nhất thiết không nên bỏ qua yêu cầu sau đây của Levinas : Luật pháp phải đi từ chỗ sợ người khác đến chỗ sợ cho người khác và luôn hoàn chỉnh chống lại sự hà khắc của chính nó.

 

MINH BẠCH

 

Thơ cũng như chuyện phòng the không nên quá ư minh bạch.

 

HÒA GIẢI

 

Chủ nghĩa lãng mạn đề cao tính chủ thể, Phái Thi Sơn ( Par nassien ) đề cao tính khách thể. Hai bên cãi nhau rất hung trong lúc thơ vốn con nhà tử tế sợ to tiếng đã lỉnh đi tự bao giờ.

Sartre nói thơ là một chủ thể / khách thể. Trang Tử cũng nói : Thơ xuất hiện thủơ trời đất còn hỗn mang . Sự rạch ròi đến sau.

Thống nhất là tôn trọng và bảo đảm tính đa dạng chứ không phải là giản lược và ăn hết tính đa dạng.

 

DÂN CHỦ CHỮ

 

Các nhà thơ đều mưu toan hoàn toàn làm chủ tác phẩm của mình. Điều may mắn là không bao giờ anh ta đạt được điều đó. Những tác phẩm thơ hay thường là kết quả sự cưỡng lại của chữ.

 

 

 

KHÓ HIỂU

 

Hai câu thơ khó hiểu của B. Brêtch:

            Những bóng ma ngày xưa đến từ quá khứ

            Giờ đây chúng đến cả từ tương lai.

 

TỘI TỔ TÔNG

 

Nhà thơ vì tương lai của chữ mà quên tội tổ tông của loài người. Anh ta nhớ mãi câu mở của Thánh kinh “ Thoạt kỳ thủy là Lời”.

 

SẤM NGỮ

 

Wilhelm de Koenig, danh họa Mỹ gốc Hà Lan có một nhận xét rất sấm ngữ

“ Đường thẳng không tồn tại”

 

HÌNH HỌC

 

Thơ là một giả thiết sống không cần phải chứng minh.

 

CON TẠO

 

Cổ nhân đã rất hóm hỉnh khi mệnh danh Thượng Đế là Con Tạo nghĩa là một đạo diễn trong giới xướng ca vô loài.

 

HAI CHIỀU

 

E. Glissant, nhà thơ da màu đảo Martinique có một câu thơ hai chiều hết sức nổi tiếng.

 Con đường nhỏ về già thành con đường lớn

Đứng ở góc nhìn của Khổng Tử đó là một lời khen.

Đứng ở góc nhìn của Trang tử đó là một lời chê.

 

VỀ MALLARMÉ

 

Một nhà thơ khó tính Valéry nhận xét về một nhà thơ khó tính khác, Mallarmé như sau:

Mallarmé ưa tán tỉnh tuyệt đối!

 

 

MỘT BẢN TÌNH CA

 

Có thể nói Edith Piaf phần nào đã sinh ra ca sĩ Yves Montand. Khi Yves đã  nổi danh, Piaf đột ngột cắt đứt với người tình trẻ:

Yves có thể sống tự lập và tôi đã trở thành một vật cản.

Nói về người tình / người chị của mình, Yves xót xa:

Piaf đã yêu tôi, đã nâng đỡ và làm tổn thương tôi với không xuể lòng chân thành, nụ cười và cách đối xử tuyệt vời cần phải nhiều năm mới chữa lành được.

 

HÓA THÂN

 

Theo R. Barthes, thành công của nhà văn “ ngoài lề xã hội” Jean Genet là đã biết hóa thân thành một nhân vật giấy.

 

CẤM

 

Thời đế chế Napôlêông III là một thời kỳ đen tối của nền dân chủ Pháp. Những biển CẤM lan tràn khắp nơi như một nạn dịch. Nhà báo dân chủ Henri Rochefort đã có sáng kiến làm một biển CẤM rất to trên viết hai chữ đại tự:

                                   CẤM

                                               CẤM

Theo nhiều người, ông còn là tác giả của thông báo nổi tiếng sau đây:

Những điều không bị cấm đoán đều phải xin phép.

 

THƯỢNG ĐẾ

 

Thượng Đế là chủ số đề Hạnh Phúc.

 

HẠNH PHÚC I

Nhà triết học X đi khắp hang cùng ngõ hẻm mãi mới tìm được một người tự nhận là có hạnh phúc. Đó là một người rồ.

 

HẠNH PHÚC II

 

Gần trọn đời lần mò chiếc sơ mi hạnh phúc, người ta mới ngộ ra rằng hạnh phúc thường ở trần.

 

 

SAI LẦM CỦA NHÀ THƠ LÃNG MẠN

 

Cái sai lầm của nhà thơ lãng mạn A. Musset là nghĩ rằng chỉ thất tình mới khổ mà không biết rằng đắc tình có khi còn khổ hơn.

 

 

KINH CORAN

 

Tôi nhớ có đọc đâu đó trong Kinh Coran một ý kiến rất độc đáo xứng đáng với một câu thơ hay.

Mực của các triết gia còn quý hơn máu của những kẻ tuẫn nạn.

Nhưng vì đã quá lâu nên tôi không dám bảo đảm tính xác thật 100% của nó. Mong các nhà nghiên cứu trợ giúp.

 

NGỘ ĐẠO

 

Đại sư Long Thọ nhiều lần nhắc nhở môn đồ:

Không nên lẫn ngộ đạo với đắc đạo.

Người đắc đạo lúc nào cũng có nguy cơ trở thành trọc phú đạo.

 

NGHE-NHÌN

 

Một ngôn ngữ nghe / nhìn trong đó phần nhìn quá lấn át phần nghe rất có thể

trở thành ngôn ngữ của sự mê hoặc.

Người ta thường bị một người đẹp quyến rũ bằng mắt chứ ít khi bằng tai.

 

SCĂNG ĐAN

 

Viết là đi đến tận cùng cái có thể viết được (scriptible), mạo hiểm vào những cấm kỵ đương thời (tabous contemporains)

Todorov nói : Viết là tạo nên những scăngđan văn bản (scandales textuels).

 

TÌNH YÊU

 

Cái bi kịch của tình yêu nằm ở tính nhị nguyên đối nghịch của nó.

Với tư cách là một nhu cầu, nó đòi hỏi một đối tượng cụ thể bằng xương bằng thịt.

Với tư cách là một ham muốn, nó dòi hỏi một ám dụ (métaphore), một ngôn ngữ, một giấc mơ.

Tình yêu có lẽ thuộc địa bàn thẩm quyền của tâm phân học hơn là của tâm –sinh lý học.

 

 

TỔ QUỐC

Ubi pater sum, ubi patri a.

Nietzsche giải thích như sau:

 “ Tổ quốc chủ yếu không phải nơi ta được sinh ra như một người con mà nơi ta được sản sinh như một người cha.”

Đối với một con người, cái bất hạnh nhất là sự vô sinh.

 

GIẤC MƠ

 

Khi giấc mơ trở thành hiện thực, dầu muốn dầu không nó cũng đồng thời trở thành một giấc mơ chết.

 

BIẾN ĐỔI

 

Làm thơ là  biến đổi ngữ nghĩa học thành ngỡ nghĩa học.

 

LỜI KHUYÊN CỦA TCHÉKHOV

 

Nếu anh lâm vào một khổ nạn hãy tự an ủi bằng một khổ nạn lớn hơn. Chẳng hạn khi anh bị vợ cắm sừng hãy nghĩ : May quá nó mới chỉ phản bội mình chứ chưa phản bội Tổ quốc.

 

CON TEM

E. Jumger có lẽ bị sao quả tạ chiếu mệnh. Ông bị những nhà dân chủ nghi là theo chủ nghĩa Quốc xã, bị những kẻ Quốc xã nghi là thân Do Thái, bị phái hòa bình kết tội là hiếu chiến, bị phe hiếu chiến kết tội là theo chủ nghĩa hòa bình.

Cuối cùng ông được kết tội (?) là tác giả hàng đầu trong nền văn học tiếng Đức và được vinh danh bằng một bộ tem.

E. Jumger viết thư cho nhà triết học hiện sinh kiệt xuất Heidegger ( lúc đó cũng đương lâm nạn, liên quan chủ nghĩa Quốc xã ) về hiện sinh bất trắc của kiếp người như sau.

“ Người ta có thể bị xem như một con chó và sau đó thấy mình được in trên một con tem”.

Nhà thơ X cám cảnh viết: “ lên tem xuống chó”.

 

LƯỠNG TÍNH

 

Mọi nghệ sĩ đều lưỡng tính ( Leonard de Vinci ).

Con mắt nữ theo dõi bàn tay nam của tôi trên trang giấy ( Q. Colette )

 

TIN TƯỞNG

 

Tôi tin tưởng mãnh liệt ở sự hoài nghi .

 

TÔ ĐÔNG PHA

 

Thiền sư Thất Ân đến thăm vào lúc nhà thơ Thiền nổi tiếng Tô Đông Pha đương nổi giận, phát biểu “ Tô Đông Pha nói rằng tám ngọn gió khó động được ông, vậy mà chỉ có một cái rắm cũng đủ thổi ông bay qua sông ”. ( Bát phong suy bất động, nhất thi đả quá giang ).

Cái khuyết điểm của thiền sư Cổ Thi là cái ưu điểm của thi sĩ. Chính nhờ cái nhạy cảm bay qua sông ấy mà chúng ta có nhà thơ kiệt xuất họ Tô.

 

NỔI TIẾNG

 

Cartier Bresson nổi tiếng vì những bức ảnh chụp đời thường chân thực đến mức kỳ bí. Ông cũng được biết đến như một nghệ sĩ vui tính và khiêm tốn. C. Bresson thường nhắc đi nhắc lại với các bạn: “ Có lần tôi đọc được một đoản ngôn rất hay : sự nổi tiếng túm được áo anh và tặng anh một cái bạt tai danh dự. Tôi bắt đầu cảnh giác với sự nổi tiếng từ đó.”

 

SỐNG VÀ CHẾT

 

Pyrrhon được coi là chưởng môn trường phái bi quan và hoài nghi trong giới triết học cổ Hy Lạp.

Người ta đua nhau nhắc lại danh ngôn sau đây của ông : “ Cuộc sống tính đến cùng chỉ là cái chết được triển hạn”.

Người ta quên mất rằng trong thời gian triển hạn ngắn ngủi này nhân loại đã kịp sáng tạo ra một nền văn minh bất tử chống lại cái chết.

 

PHÒNG CHỜ

 

Tôi thích họa sĩ Chirico, giai đoạn đầu và nhà thơ Reverdy, các nghệ sĩ lớn của những phòng chờ.

 

TẠM TRÚ

 

Thà suốt đời tạm trú những giả thiết hơn thường trú những chân lý. Nó thường là những chân lý chết. Tôi yêu những từ ăn hỏi hơn những từ thành hôn.

 

VALÉRY

 

Valéry nổi tiếng là nhà thơ tư tưởng nặng ký và khó tiêu hóa.

Nhưng ông lấy được trọn cảm tình của tôi qua những câu thơ rất nhẹ nhàng sau đây:

Khoảnh khắc một ngực trần

Chớp khe hai mảnh áo

 

DI CHÚC

 

Nhà thơ già La mã Horace di chúc con cái khi chôn ông hãy bỏ vào túi ông dăm hạt giống. Nó có thể tình cờ mọc thành cây sau khi ông qua đời.

 

KHUYẾN MẠI

 

Câu thơ đầu tiên được Thượng Đế khuyến mại, mồi ta viết câu thứ hai xứng đáng với nó.

 

TIỂU THIÊN ĐƯỜNG

 

Một câu thơ mình yêu và một người đàn bà yêu mình.

 

LỊCH SỰ

 

Hài hước là phép lịch sự của thất vọng. Và tiếng cười có thể là cách xin lỗi của nước mắt.

 

CÁI CHẾT

 

Với Canetti, giải Nobel văn học 1981, biểu thức “ chết đúng lúc” là một ý kiến lầm lẫn. Cái chết không bao giờ đúng lúc.

 

 

 

NEWTON

 

Nhà thơ X gọi thuyết vạn vật hấp dẫn của Newton là bản tình ca vũ trụ.

 

DỊ DẠNG

 

Toulouse Lautrec là một người dị dạng đến mức “ mình cũng ghê tởm mình”. Suốt cuộc đời cô đơn, ông đi tìm an ủi trong đám gái mãi dâm mạt hạng và để tri ân, ông đã biến họ thành bất tử.

Nhân vật La Goulue (Ả Thuồng Luồng) trong một kiệt tác của ông đã được nhiều người trong giới yêu  hội họa mệnh danh là “nàng Jô công đơ”của các nhà chứa.

 

BI QUAN

 

Essénine có hai câu thơ tuyệt vọng gây nên một mini dịch tự sát trong đám trẻ nhẹ dạ

Chết không có gì là mới

Nhưng sống cũng chẳng có gì là mới mẻ hơn

Maiakovski phản pháo quyết liệt:

Tuổi trẻ chúng ta tiến về phía trước

Chỉ tóc gió bay thổi lại phía sau

Những câu thơ quá nhiều nhiệt huyết của Maia không thể coi là một thái độ lạc quan vững chãi.

Maia tự sát sau đó ít năm.

Cioran, người nổi tiếng bi quan trong giới văn học Pháp thủ thỉ.

Những kẻ (bi quan) không có lý do gì để sống. Tại sao lại có lý do để chết.

Ông thọ ngoài tuổi thất thập cổ lai hi. Có lẽ vì vẫn chưa tìm được lý do để chết!

 

ZAOWOUKI

 

Danh họa sinh năm 1921 tại Bắc kinh và sống cả cuộc đời nghệ thuật của mình tại Paris.

 Trước câu hỏi của báo chí “Tính đến cùng ông là người Trung Hoa hay người Pháp”, nhà danh họa trả lời “Tôi là người nước Zao Wouki…”

 

 

 

 

 CHỮ

Với đa số chữ là tình nghĩa.

Với nhà thơ chữ là tình yêu.

                                                                       

 KÍN, HỞ

 Mình đàn bà quí ở chỗ kín nên thường che đậy.

Đầu đàn ông quí ở chỗ thoáng nên thường để trần.

Nhiều người không hiểu rằng nghệ thuật hở hang là nhằm đề cao cái được che đậy.

Đó là phép nhuộm mây nẩy trăng của Thánh Thán.

Khắc tinh của nó không phải sự “bưng bít” mà sự lõa lồ.

 

ĐIỀU QUAN TRỌNG

Điều quan trọng không phải ở chỗ người ta nghĩ gì về mình mà ở chỗ mình nghĩ gì về mình.

 

SỐNG TỰ NHIÊN

Cần rất nhiều văn hóa và  khổ luyện để sống tự nhiên.

 

LONG THỌ

Đại sư Long Thọ khuyên

“Hãy xúc miệng mỗi khi anh thốt ra chữ Phật”

Cũng đúng vậy với những người làm thơ.

- Hãy xúc miệng mỗi khi anh mở miệng chữ.

 

BAO CẤP

Bao cấp dân chủ là tên khác của sự độc đoán.

 

ÁC KHẨU

Tristan Bernard hình như rất thành kiến với các nhà phê bình –Ông là tác giả

câu nói ác khẩu nổi tiếng sau đây :

 “Một số nhà thơ thất bại trả thù chữ bằng cách trọn đời rắp tâm làm nghề phê bình”.

 

GIẤC MƠ

Một giấc mơ thỏa mãn không có nghĩa là một giấc mơ thành công mà chỉ có nghĩa là một giấc mơ kết thúc xuống cấp thành hiện thực.

Đó là ý nghĩa sâu xa của câu thơ:

Hiện thực là một giấc mơ bất mãn.

 

 CHỐNG TIÊU CỰC

 

Trong lịch sử tư tưởng khoa học hiện đại người ta nhắc nhiều đến tên ba vị tổ sư bồ đề.

1- Copernic người đầu tiên đã chứng minh được trái đất không phải tâm điểm vũ trụ và chỉ là một trong nhiều hành tinh của mặt trời

2- Darwin người đã sửa lại lý lịch nhân loại và đã chứng minh rằng cha đẻ của con người không phải  Thượng Đế mà là con khỉ hắc tinh tinh.

3- Freud người đã chứng minh rằng cái “tôi tư duy” nổi tiếng  của Descarte chỉ là một phần không đáng kể của cái “tôi không tư duy” hay vô thức và khai sinh ra ngành phân tâm học.

Ba ông đã nói không với tiêu cực của chủ nghĩa “nhân tâm điểm” (anthropocentrisme) trong khoa học, mở ra thời kỳ trưởng thành của tư duy hiện đại.

 

EINSTEIN VÀ CHARLOT

 

Einstein rất mến phục Charlot.

“Người ta viết về tôi hàng vạn trang sách mà không ai hiểu. Ông chẳng nói gì mà mọi người cũng hiểu”.

Charlot nở nụ cười buồn quen thuộc và im lặng. Ông quá lễ phép để cải chính câu nói của nhà bác học: “Mọi người đều hiểu và hiểu lầm”.

 

LÀM TÌNH

 

P. louys có một câu rất nổi tiếng:

“ Khi yêu  nhau, người ta làm tình. Khi thất tình, người ta làm chữ”.

Có lẽ vì được quá nhiều đàn bà yêu  nên suốt đời ông chỉ là một nhà văn bàn nhì.

Tôi rất ngại khi người ta khen một nhà thơ tài tình !

 

PICASSO

 

Người ta viết bằng văn xuôi hơi nhiều. Hãy viết bằng thơ.

Người vội vàng thường trách tranh Picasso quá lý tính.

Thật ra Picasso vẽ bằng thơ.

 

 

 

 

CHÂN LÝ

 

Người ta càng ngày càng xa chân lý vì những định nghĩa về nó.

 

KHỎA XUÂN

 

Bản thân nghệ thuật “khỏa xuân” không có tội. Có tội là những người nghĩ bậy về nó.

 

SÙNG BÁI

 

Mọi sự sùng bái đều mê tín, kể cả sùng bái khoa học.

 

THƯỢNG PHONG

 

G. Courtelim không những nổi tiếng với tác phẩm mini “ Những người ghế”

(nguyên văn Les Ronds de cuir) về những mẫu người công chức mà còn nổi tiếng về cách ăn nói trực ngôn. Ông là tác giả của câu nói “ghê gớm” dưới đây:

“ Trong cuộc đấu tranh lâu dài giữa cái đầu và cái “ đ…” (tôi vốn lễ phép), cái dưới thường chiếm thế thượng phong.

 

CÁI ĐẸP

 

Cuộc đấu tranh giữa phái nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh càng ngày càng trở nên vô ích và lỗi thời.

Trong một xã hội văn minh, cái đẹp đã trở thành một nhu yếu phẩm và có một quy chế vị nhân sinh 100%

 

TIẾN HÓA

 

Quá trình tiến hóa của nhân loại là biến những điều kiện đủ của thế hệ trước thành những điều kiện cần của thế hệ sau.

 

KHÔNG TƯỞNG

 

Sự không tưởng là giấc mơ của hiện thực.

 

ĐẠO VĂN

 

Chỉ Thượng Đế có quyền tuyên bố mình tuyệt đối không đạo văn.

Flaubert cho rằng các nhà văn là những nhà sao cóp vĩnh cửu, suốt đời cố gắng viết lại một bản gốc đã mất từ đầu.

 

HAI TAY

 

Một nhà văn luôn viết bằng hai tay.

Tay phải để viết những cái phải phải.

Tay trái để viết những cái phải khác.

 

VÔ THỨC VÀ HỮU THỨC

 

Một ngôn ngữ hoàn toàn vô thức là một ngôn ngữ vô nghĩa. (Vì điên).

Một ngôn ngữ hoàn toàn hữu thức cũng là một ngôn ngữ vô nghĩa. (Vì nhạt).

 

ĐẠO ĐỨC

 

Nữ hoàng Cléopâtre bận tâm đến độ dài ngắn của mũi mình hơn là đến tương lai nhân loại. Đó không phải là một bận tâm đạo đức nhưng chính đáng.

Đạo đức cần hiểu rằng vô cớ ngăn cản một bận tâm chính đáng cũng là vô đạo đức.

 

HAI TRIẾT GIA

 

Nhà triết học hiện sinh Kierkegand nói về nhà triết học lịch sử Hegel “ Ngài giáo sư biết tất cả về vũ trụ, ngài chỉ quên không biết mình là ai”.

 

ĐỐI THỦ

 

Đối thủ lợi hại nhất không phải là kẻ khác mà chính là bản thân mình.

 

NGƯỜI DO THÁI

 

Người Do Thái không phải một sản phẩm tự nhiên. Nó là một sản phẩm văn hóa.

 

 

 

 

HAI NHÀ SINH HỌC

 

H. Laborit, nhà sinh học nổi tiếng thế giới rất mê phong cách sinh học mà ông gọi là “ sinh học trốn trường “ (biologie buissonnière). Ông ca ngợi K. Lorenz, nhà ứng xử động vật học, giải Nobel 1993 như sau:

“ Tôi rất hâm mộ K. Lorenz – Vị chưởng môn này thường “trốn học” lang thang các đồng cỏ nói chuyện với ngỗng trời.

 

SĂM MÌNH

 

Câu này hình như của Cl. Levy Strauss:

            Săm mình là một  thứ danh thiếp.

 

BỆNH NGUY HIỂM

 

Tennessee William: Người ta thường nghĩ rằng bệnh làm chết người nhiều nhất là những bệnh tim mạch. Riêng tôi, tôi cho rằng đó là bệnh cô đơn.

 

ĐÀN BÀ VÀ DÂN CHỦ

 

Ai cũng biết Stuart Mill là một học giả hết sức nghiêm túc. Người ta buộc tội ông là tác giả của câu nói dưới đây.

“ Dân chủ như đàn bà không bao giờ được coi là đủ”.

 

DỊCH THƠ

 

Nhiều người thắc mắc nhà thơ X không dịch thơ Pháp. Được trả lời:

-         Mình quả mải trò chuyện với chữ nên thường lỡ hẹn văn phạm.

Một nhà phê bình nữ mắng X là “ dại từ” và ca dao hai câu lục bát “ chính xác”, (chữ mượn của các ‘ghêm” truyền hình):

                                   Anh kia chữ nghĩa bề bề

                        Thẫn lời nó ám cũng mê mẩn người.

 

CHỬA TRINH

 

Mọi câu thơ hay đều ít nhiều bênh vực cho giáo lý “trinh tiết hoài thai” (immaculée conception). Một trong những giáo lý nên thơ nhất của đạo Cơđốc.

Nhà thơ X đề nghị dịch là: “Chửa trinh”

 

NÓI DỐI

 

Người ta thường chỉ nói dối hai đối tượng : bạn gái và cảnh sát.

Còn với các đối tượng khác, người ta đều có thể nói thật.

 

ĐẠO VĂN

 

J. Cocteau có một câu rất được:

 Thơ là sự dối nói thật.

Một nhà thơ khác lẳng lặng lấy câu đó và phát biểu như sau:

Thơ là sự dối nói thật chống lại sự thật nói dối.

Có thể coi đây là một ca đạo văn mẫu mực.

Hình như chính Cocteau cũng đã phát biểu:

Nếu tôi ký tên dưới đoản ngôn này, thiên hạ có thể cười J. Cocteau là đạo văn.

 

CÂU THƠ HAY

 

Một câu thơ hay là một hợp doanh giữa Thượng Đế và con người.

 

TRUNG THÀNH

 

Kafka trước khi qua đời khẩn khoản người bạn là Max Brod đem đốt hết những di cảo của mình.

M. Brod nghĩ rằng thái độ trung thành nhất với bạn là đem những di cảo này ra xuất bản.

Lịch sử đã chứng minh rằng Max Brod đúng.

 

BI KỊCH

 

Bi kịch của tình yêu được nhà thơ X tóm tắt như sau:

Hai thì hơi thiếu ba thì hơi thừa.

 

NGHỆ THUẬT VÀ QUẢNG CÁO

 

Nghệ thuật và quảng cáo là đôi vợ chồng đã ly thân nhưng chưa ly hôn và vẫn chung căn hộ.

 

 

 

NÓI KHÁC

 

Thơ thật bao giờ cũng nói khác – Và nói khác cho ta một hy vọng sống khác. Chính vì thế mà Maia tuyên bố “ thơ thật bao giờ cũng cách mạng”.

 

ĐA SỐ TUYỆT ĐỐI

 

Một người có thể là đa số tuyệt đối !

Nguyên lý dân chủ siêu lạ này được nhiều người đề nghị gọi là Nguyên lý Cupiđông, vị thần của tình yêu .

 

CHIẾU SÁNG

 

Chiếu sáng là phát hiện ra một vùng tối mới.

 

CẦU TOÀN VÀ KHOAN DUNG

 

Bậc quân tử cầu toàn với bản thân và khoan dung với người khác.

Kẻ tiểu nhân cầu toàn với người khác và khoan dung với bản thân.

 

NƯỚC MẮT

 

Một điều đáng buồn của tuổi già là với năm tháng người ta càng mau nước mắt và càng khó khóc.

 

NGU XUẨN

 

Musil, nhà văn lớn người Áo nửa đầu thế kỷ XX miêu tả sự ngu xuẩn như sau :

“ Mỗi người chạy tung tăng, mỏ ngậm một ý tưởng mà anh ta khăng khăng là độc nhất vô nhị”

Sự độc đáo thường thông minh.

Sự độc tôn thường ngu xuẩn.

 

CÂU HỎI

 

Một nhà tư tưởng Trung Hoa (hình như Lâm Ngữ Đường), có một câu hỏi rất sâu sắc:

“ Cuộc sống bao giờ cũng có đủ để người ta hưởng. Tại sao lại mất đứt cả cuộc đời để kiếm nó”.

XÔCRÁT

 

Xôcrát “ người đã bán mình cho lý tính” (theo cách nói của Nietzsche) về già có đôi chút hối hận về thái độ kỳ thị của mình đối với nghệ thuật – Ông tâm sự: “ Trong tù, tôi thường nằm mơ thấy một bóng người đến đầu giường nhắc nhở : Xôcrát hãy chơi nhạc đi”.

Nietzsche cũng đã sửa sai đối với ông khi gọi nhà viết kịch kiệt xuất của mọi thời đại Shakespeare là “ Xôcrát – nhạc sĩ”.

 

MOZART

 

Một nhà phê bình viết về Mozart:

“ Mọi nghệ sĩ đáng trọng đều phải lao động để sản xuất ra sự cô đơn – Mozart đã hết sức vất vả tạo nên sự thất sủng để chấm dứt thời thượng của mình – Ông phấn đấu trở thành thiểu số”.

 

VẼ VÀ TÔ VẼ

 

Một họa sĩ chân dung bậc thầy (hình như Reimbrand) đã nói.

“ Người ta trả tiền chúng ta không phải để vẽ mà để tô vẽ”.

 

NHÂN DANH

 

Hitler đã nhân danh việc tuyển lựa một chủng người thượng đẳng (khoa học gọi là engénisme) để bênh vực cho những lò thiêu người.

 

MÁ MỊ

 

Có những chân lý má mị chuyên dụ dỗ con gái nhà lành bán sang bên kia biên giới.

 

KHÔNG THẮP ĐÈN

 

Có người thấy thiền sư Cổ Đức ngồi một mình trong phòng tối bèn hỏi:

- Thưa thầy sao thầy không thắp đèn?

Cổ Đức trả lời:

-Vì thương con thiêu thân.

 

 

 

CÔ ĐƠN

 

Những kinh nghiệm chính của cuộc sống đều không thể chuyển giao được.

Virgina Woolf cho đó là nguyên nhân sâu xa của sự cô đơn.

 

ĐIỀU ĐÁNG BUỒN

 

Điều đáng buồn đối với một nhà thơ là ly kỳ trong đời thường và nhạt nhẽo trong đời chữ.

 

SỬA SAI

                                               

Trong một bức thư gửi bạn là nhà thơ Andress, O. Elytis, giải Nobel văn học 1979 viết:

“ Andress thân mến, chắc bạn cũng chẳng lạ gì thơ được sinh ra để sửa sai Thượng Đế.”

Mong ước lớn nhất của ông là: “Cuộc đời của chúng ta có thể và cần được cắt dán như những tranh cắt dán của Matisse”

 

CHỦ ĐỀ

 

Theo M. Dumas “ Chủ đề thật sự của một nhà văn là cách viết của anh ta”.

 

LẬU VÉ

 

Tôi rất thích câu nói sau đây của F. Pong: “ Người ta không biết ngữ nghĩa du hành toa nào. Nó đi lậu vé – Và lẽ dĩ nhiên, né tránh nhân viên kiểm soát”.

 

CON ĐƯỜNG DÀI NHẤT

 

F. Pessoa, nhà thơ tượng đài Bồ Đào Nha tâm sự:

“ Tôi bao giờ cũng tìm con đường dài nhất giữa hai điểm – Đó chính là con đường thơ”.

 

NÓI DỐI

 

Một câu hỏi của nhà thơ cổ La mã Juvenal đến nay vẫn giữ nguyên tính thời sự của nó.

“ Tôi biết làm gì tại Rôm - Tôi không biết nói dối”.

EDDINGTON

 

Nhà vật lý kiêm triết gia kiệt xuất người Anh Stanley Eddington nói về khoa học:

Các nhà bác học đã kiên trì và say mê khám phá một hang động. Tại đó họ đã phát hiện ra những dấu chân. Họ đã xây dựng những lý thuyết khó hiểu dựa trên những phép đo có một độ chính xác tuyệt vời để có một hình dung ngày càng đáng tin cậy hơn về sinh vật đã để lại những dấu vết này. Để kết thúc, họ phải buồn rầu công nhận rằng đó không phải gì khác ngoài những dấu chân của chính họ!

 

BÀI XÌ

 

Thượng Đế thích chơi bài xì và thường đánh tráo- nói một cách lễ phép là biến hóa- con chủ bài vào giây phút cuối cùng.

 

DESCARTES

 

Descartes, tổ sư bồ đề lẫy lừng của lý tính – ánh sáng, những năm cuối đời bỗng đốc chứng làm thơ.

                        Hãy cho tôi chút bóng đêm

và ảo ảnh

Ít thời gian sau ông vĩnh biệt thế giới ban ngày của “ tôi tư duy” vào thế giới  đêm của những giấc ảo.

Một số học giả gọi mấy câu thơ nói trên là di chúc của Descartes.

 

ĐỊNH NGHĨA

 

Nhà danh họa người Nga Chagall định nghĩa “ đi “ là một chân bước dưới đất và một chân bước trên trời.

 

NGƯỜI PHÁT NGÔN

 

Nhà thơ là người phát ngôn của sự câm lặng.

 

TÍNH KHẢ SAI

 

Các nhà khoa học tự nhiên thường viết rất hay và sâu sắc – Tôi xin dẫn một trích đoạn của nhà sinh học Thomas Lewis.

Có lẽ trong các sinh vật trên trái đất, duy nhất con người là động vật của sự bất an. Chúng ta có mặt tại đây do một cỗ máy lớn nhất  trong những cỗ máy, tệ hơn nữa chúng ta là kết quả của một lầm lẫn – Những động vật cấp thấp không có quyền tự do tuyệt vời này – Chúng bị giới hạn trong một sự không lầm lẫn tuyệt đối. Khả năng phạm những lầm lẫn nhỏ, đó là phép lạ tuyệt vời của A.D.N. Không có khả năng đặc chủng đó, giờ đây có lẽ chúng ta vẫn còn là những con trực trùng yếm khí và âm nhạc sẽ không tồn tại – quá trình mà thiên hạ quen gọi là sự khám phá chủ yếu dựa trên tính khả sai (faillibilité).

Trình bày khá dài như trên để mong giải thích câu nói khó hiểu của N. Bohr, một trong những cha đẻ của vật lý lượng tử.

“ Tính khả sai có thể là cơ may tuyệt vời nhất của những con người”.

         

© Copyright Lê Đạt