ĐOẢN NGÔN III

 

BÀI THƠ MỞ HÀNG

Nhân dịp tạp chí “Nay và xưa” sắp khai trương, tôi có gửi mừng một bài thơ mở hàng:

Lịch sử

         báo cáo anh:

                            Lịch sửa

Tâm chữ đổi tiền

                   Tư mã giả Thiên

Ngay hôm sau tôi nhận được một công văn hỏa tốc của báo trong chỉ có vẻn vẹn mấy từ:

Đây không phải là bài thơ mở hàng. Đây là một bài thơ dẹp tiệm.

Dưới có lời cáo lỗi không đăng với đích danh chữ ký của ông Q. Tổng biên tập.

Những ý tốt không phải lúc nào kết quả cũng tốt.

HỘI CHỨNG NHÒM LỖ KHÓA

Kẻ tục tử và nhà khoa học đều mắc hội chứng nhòm lỗ khóa (voyeurisme). Kẻ tục tử nhòm lỗ khóa phòng the. Nhà khoa học nhòm lỗ khóa vũ trụ.

DƯỠNG SINH

Nhà thơ X. là khách bình minh của những Bờ Hồ, tham quan các U thể dục nhảy theo nhạc hay la cà các shop chợ Trời tự phát, chọn những đồ “second hand” về nuôi thành những hàng độc cạnh tranh ngang ngửa với các “đồ hiệu”. Ông gọi đó là phép dưỡng sinh.

 

 

ĐỊNH NGHĨA

Suy bụng ta ra bụng người là lấy cái lượng quân tử của bản thân đo lòng người khác, nâng cao nó lên, chứ không phải lấy cái lượng tiểu nhân đo lòng người khác để hạ thấp nó xuống.

CHỐNG CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN

Céline, nhà văn Pháp thô lỗ đến mức nghệ thuật, có một câu nói rất hữu hiệu để chống chủ nghĩa lãng mạn:

“ Thơ trữ tình không xuất phát từ tim mà từ bụng”.

ĐỘC ĐOÁN

Tôi rất dị ứng với nhận xét của nhà thơ X. : “ Tình yêu thương độc đoán, ít dân chủ nhưng đó là một sự độc đoán ngọt ngào”.

Sự độc đoán ngọt ngào đến đâu cuối cùng rồi cũng giết chết tình yêu. Xiềng xích bọc vàng đi nữa cũng vẫn là xiềng xích.

THĂNG HOA

Một nho sĩ nghèo kiết xác lại mê con gái rượu của một phú ông. Tuy giầu nhưng không đến nỗi vô học, phú ông cho gọi nho sĩ đến:

-        Nghe nói anh là một người có học. Giờ tôi ra cho anh một đề, trong mười lăm phút anh phải ứng khẩu đọc một bài bốn câu trong đó tuyệt đối không được có một ý, một hình ảnh nào sáo mòn. Hễ có là bài thơ lập tức coi như phạm quy, bỏ đi. Nếu anh làm được tôi sẽ gả con cho anh. Nếu không được anh sẽ phải phạt đánh một trăm roi.

Đề thơ là vịnh con ngựa Kỳ Ký của phú ông.

Vịnh một con ngựa là khó. Nhưng hoàn toàn độc đáo thì là thục đạo nan. Anh nho sĩ cứ đứng đần mặt ra! Phen này thì no đòn là cái chắc!!!

Bỗng phú bà lỡ một cái trung tiện.

Nó chớp lóe trong đầu người hàn sĩ như hồi chuông Cô Tô huyền thoại trong thơ Đường.

Và vận động chẳng thơm tho gì của hiện thực tiến hóa lập tức được thăng hoa thành thơ như sau:

         Phú bà đánh cái rít

         Ngựa ông chạy như hít

         Chạy lại và chạy đi

         Đít bà vẫn chưa khít

Quá giỏi! Đúng là vô danh hữu thực.

POPPER

Nhà tri thức học kiệt xuất người Anh nhận xét về Platon như sau:

Platon thuộc dòng dõi Hoàng tộc. Theo ông mọi thay đổi trong xã hội chỉ có thể là sự thối ruỗng và thoái hóa. Ông ao ước một xã hội tốt đẹp, không có tật xấu, một nhà nước thời Hoàng Kim, một nhà nước hoàn toàn bất động… Cuối cùng ông đã đi đến chỗ biến trái đất thành địa ngục bởi thiện chí xây dựng nó thành Thiên đường”

Và Popper gọi đó là “cái đẹp bất lương”

KHẢ KÍNH

Kỷ niệm 95 năm ngày sinh của Henry Miller, trong một cuộc bán đấu giá ở nhà Sotheby’s tại New York, bản thảo cuốn tiểu thuyết Hạ Chí Tuyến của ông bán được 65000 đô. Cuốn tiểu thuyết này từng bị cấm lưu hành tại Hoa Kỳ trong 27 năm vì những lý do đạo đức(?)

Khi Laurena Durell hỏi một ủy viên trong hội đồng chấm giải Nobel sao không trao giải cho Miller, vị hội đồng này trả lời; “ Chúng tôi đợi ông ấy trở thành khả kính”

Thư cho nhà văn Mỹ thô lỗ một cách tất yếu này, một nhà văn nổi tiếng thô lỗ khác người Pháp Céline viết :“ Thế giới đầy rẫy những kẻ khả kính chính vì thế mà nó trở thành nhàm chán”.

TAY CHƠI

Chu Mạnh Trinh có lẽ là nhà thơ Việt Nam gần Đỗ Mục nhất vì hai người đều là khách “ nhẵn mặt” của xóm lầu xanh ( bây giờ gọi là phố đèn đỏ).

Chu dịch hai câu thơ được truyền tụng của Tiểu Đỗ

Thập niên nhất giấc Dương châu mộng

Doanh đắc thanh lâu bạc hạnh danh   

Mười năm tỉnh mộng châu Dương

Hời thêm một tiếc lầu xanh phũ phàng

Từ “hời” tuyệt! Hay hơn “doanh đắc” trong nguyên văn nhiều lần.

Phải một tay chơi thập thành như quan Án Chu mới thẩn bút được từ này.

Chỉ tiếc từ phũ phàng hơi kém. Hy vọng rằng đó chỉ là một sự tam sao thất bản!

VOLTAIRE

Tôi cho rằng câu nói dưới đây nằm trong những câu hay nhất của tác giả Candide:

“Những người đi tìm hạnh phúc như một đám say rượu không tìm thấy nhà nhưng vẫn mang máng rằng mình có”.

QUẢNG CÁO

Trong một cơ chế thị trường, đến thơ tình cũng nhiễm tính chất quảng cáo

 

 

PHÂN BIỆT

Theo R. Barthes cần dứt khoát phân biệt giữa các nhà văn (écrivain) và các nhà viết (écrivant)

KHẨU HIỆU

Khẩu hiệu man rợ nhất đối với các sinh vật chậm phát triển : “ Đúng hay là chết ”

SINH ĐẺ

Tôi rất thích câu nói của nhà thơ X : “ Trong văn học, người làm tình và sinh đẻ ít hoàn toàn ngược lại với ngoài đời ”

DÂN CHỦ

Nhà thơ là người dân chủ thật sự vì anh ta luôn lắng nghe và tạo điều kiện phát ngôn cho thiểu số trong bản thân mình

KHUYẾT ĐIỂM

Một những khuyết điểm lớn nhất của con người trình diễn là sùng bái đa số.

NHẬP PHÒNG

Câu thơ tình hay nhất không phải câu thơ nhập phòng mà câu thơ đứng chờ ở ngưỡng cửa.

THAM QUAN

Giacometti cho rằng cuộc tham quan lâu dài và thú vị nhất là tham quan mặt mình. Ông giận và tuyệt giao với André Breton khi vị giáo chủ siêu thực này nói với ông : “ Mặt người có gì lạ mà cậu cứ khai thác mãi thế ”.

CHỈ VÀ CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Đoản ngôn là “hàng độc” tuyệt đối phải ăn chín. Không dùng đối với những ai có tiền sử “fastfood”.

 

MỘ CHÍ

Nhà văn già người Anh, William Golding, giải Nobel 1983, là một ngòi bút “ưa” đùa dai. Ông dặn con cháu viết trên mộ chí một đoạn ngôn như sau :

“Dưới đây yên nằm một người biết lạ.

Vinh quang sớm đưa vị cựu sĩ quan quân đội Hoàng gia này lên lão vào tuổi năm mươi. Mong ước “hot” nhất của ông là “tái lên nghé” vào tuổi tám mươi”.

Việc ấy có thể làm, nhưng tuyệt đối không thể ghi.

SCĂNGĐAN VÀNG ANH

Chuyện tình ngại nhất những kỷ niệm bép xép.

JULES RENARD

J.Renard nổi tiếng “ bủn xỉn chữ ”.

Thư ông viết trả lời một tạp chí về Victor Hugo vẻn vẹn có hai từ “ Hơi dài ”

BI KỊCH

Câu nói rợn người dưới đây không nhớ đọc của ai? Hình như là của Gorki :

- Cái bi kịch của xã hội loài người là có nhiều xác chết chưa kịp chôn

AI LỚN HƠN

Một kẻ nhiễu sự hỏi Matisse

-        Picasso và ông, ai lớn hơn.

-        Picasso to hơn.

NHU CẦU

Thực phẩm cần dễ tiêu

Thơ cần lâu tiêu

Đó là sự khác biệt chủ yếu giữa nhu cầu của dạ dày và của não bộ.

BẤT ĐỊNH

Ai cũng biết Heidegger là một nhà nghiên cứu Holderling kiệt xuất. Sau nhiều năm miệt mài, nhà thơ này, chưởng môn phái hiện sinh có một kết luận như sau “Định nghĩa thơ Holderling là một nghịch nghĩa ”. Không phải vì nhà thơ là một người điên mà vì ông là một nhà thơ nòi.  Mọi nhà thơ nòi đều bất định.

TRÍ THỨC

Tôi nhớ mãi một câu thơ nổi tiếng những năm 60 của Jan Skácel, nhà thơ Tiệp khắc.

Trí thức ( nguyên văn Intelligentsia) là giai cấp chung thân đường biệt xứ

MẢI GIẢNG DẠY

Tiến sĩ X suốt đời mê giảng dạy quên học. Người đương thời phong ông là giảng sư vô học cấp ưu tú.

BÙI GIÁNG

Nhà thơ già X có một nhận xét khó hiểu về Bùi Giáng.

Tôi không ưa Bùi Giáng điên nhưng thích thơ Bùi Giáng rồ.

LẤY Ở ĐÂU

Bao giờ tôi cũng cho rằng câu nói “Anh yêu em hơn bản thân mình”  là một cách tự tả đáng ngờ. Cái phần hơn bản thân mình đó anh lấy ở đâu, chẳng lẽ đi vay hàng xóm.

Đáng ngờ nhưng nên tin.

THỜ Ơ

Trong tình yêu sự thờ ơ còn đáng sợ hơn là ghét bỏ.

 

 

HỒI KÝ

Theo Guiguard khuyết điểm lớn nhất của các hồi ký là ưa một “ Tôi thăng ” hơn “ Tôi giáng ”

ĐỊNH NGHĨA

Định nghĩa bao giờ cũng chỉ là một giả thuyết

HIỆN TƯỢNG

Hiện tượng không phải tự nhiên, đó là tự nhiên cộng với người quan sát và dụng cụ quan sát.

NGHIÊM TÚC

Sống nghiêm túc là sống hết mình chứ không phải sống đạo mạo.

BẤT HẠNH

Bất hạnh nhất là thiên đường một mình và độc thoại trong phòng the.

CÂU HỎI HÓC BÚA

Một câu hỏi hóc búa của thiền sư :

Trước khi sinh ai là ta ?

Sau khi sinh ta là ai ?

TÌM VÀ THẤY

Nhiều người quá mải tìm hạnh phúc nên giữa đường gặp nó không nhận ra.

Vì vậy tôi rất khoái câu nói của Picasso : “ Tôi không tìm, tôi thấy ”

QUÂN TỬ VÀ TIỂU NHÂN

Thiền sư Tăng Hải Hòa (?) nói  :

Nho vị kỉ là nho tiểu nhân.

Nho vị nhân là nho quân tử.

Thích vị kỷ là thích quân tử.

Thích vị nhân là thích tiểu nhân.

AI SINH RA AI?

Nghệ thuật không sinh ra nghệ sĩ. Chính nghệ sĩ sinh ra nghệ thuật.

NÓI THẬT

Người suốt đời nói thật 100% với người tình là bậc thánh nhân hoặc một kẻ tục tử vô học.

TỘI TỔ TÔNG

Mọi tội chỉ có tội tổ tông là đáng yêu nhất.

TÌNH YÊU BAN ĐẦU

Lần nào đọc câu thơ của X : “ Mọi tình yêu ban đầu đều cổ tích ”, tôi lại nhớ câu nói của Marcel Proust : “ Tình yêu cuộc sống chỉ là một mối tình cũ không dứt bỏ được ”

VĂN HÓA

Người văn hóa là người biết phản đối.

Người thuần hóa là người biết vâng lời.

Rủi ro lớn nhất của văn hóa là thuần hóa.

TÌNH DỤC / TÌNH YÊU                               

Tình dục là tự nhiên

Tình yêu là văn hóa

Văn hóa không có tự nhiên thì rỗng ruột

Tự nhiên không có văn hóa thì rừng rú.

GIẢI PHÓNG

Câu thơ hay cũng như người đẹp thường khiến người ta nghĩ lung tung. Đó là bước đầu của giải phóng tư tưởng.

 

 

NHỮNG CÂU CA TUYỆT VỌNG

Rất nhiều người hiểu lầm hai câu thơ nổi tiếng của Musset ( tôi e rằng trong số đó có cả tác giả ).

“ Những câu ca tuyệt vọng nhất là những câu đẹp nhất ”

Và tôi biết có những câu bất tử đơn thuần là những tiếng nấc dài.

Không có những câu ca tuyệt vọng đẹp mà chỉ có những câu ca đẹp cất lên từ tuyệt vọng. Và chúng đã trở thành những câu ca hy vọng.

Thơ hay bao giờ cũng can đảm. Tôi dị ứng những từ mếu máo.

TĂNG VÀ GIẢM ÂM

Thơ là giảm âm những tiếng động của nghĩa.

Và tăng âm những tiếng vang của chữ.

VÔ CẢM

Mù nhiều khi không phải một bệnh nhãn khoa mà một hội chứng vô cảm.

GIAO THÔNG

Nhiều khi đông vui mà vẫn rất cô đơn. Người làm thơ gọi đó là hiện tượng ách tắc giao thông.

Chợt nhớ câu của Virginia Woolf, nhà văn “l’ex” người Anh nổi tiếng “ Những kinh nghiệm chủ chốt của cuộc đời thường không giao lưu được”.

MẤT CHỦ THỂ

Theo Lacan, trưởng môn trường phái tâm phân học Pháp, chủ thể bị mất ngay từ đầu.

Và văn học là một cuộc trường kỳ tìm kiếm chủ thể.

 

 

 

ĐÙA DAI

Người dân đảo quốc sương mù nổi tiếng hay đùa dai.

Dân tộc tính này mạnh đến mức đánh bại cả tính nghiêm túc và trịnh trọng của cộng đồng “ bảo thủ nhất thế giới ” : Cộng đồng Hoàng gia Anh.

Tôi đánh giá rất cao tính cách tân của vị vua nước Anh đã nghĩ ra ( theo cách chữ thông dụng của giới truyền thông Việt thế kỷ XXI là sáng tạo ) tước vị Hiệp sĩ Nịt dài nữ (Ordre de la Jarretière). Trên biểu trưng của tước vị này có ghi một đoản ngôn cực kỳ :

“ Honni soit qui mal y pense ”

Nữ sĩ Hương, họ Hồ Xuân (?) đề nghị dịch :

“ Bá ngọ tên nào nghĩ nhảm ” (sic)

ĐƯƠNG THỜI

Người ta phải cố gắng tương lai để trở thành đương thời với mình. Thời gian hiện tại trên niên lịch thường là thời gian lặp lại, nghĩa là đã qua.

Đương thời không phải thời gian trời cho mà là thời gian nỗ lực của con người chống lại thời gian.

Đi ngược hiện tại người ta có thể gặp những nhánh rẽ - Theo lý thuyết những cấu trúc phá tan (structures dissipatives), những nhánh rẽ này có cơ may dẫn ta đến một trật tự mới, một tên khác của tương lai. Sự lầm lẫn của con người là nghĩ rằng chuyển động thời gian đơn thuần tuyến tính như dòng chảy một dòng sông.

Nhà thơ nói :

“ Tương lai là một quá khứ khác ”

 

 

NGƯỜI HẠNH PHÚC

Picasso là một người hạnh phúc.

Ông chết già với tuổi trời. Chết non với tuổi nghệ thuật.

Và đến phút rời bỏ cuộc chơi vẫn là tình nhân của người vợ trẻ cuối cùng.

HIỂU

Muốn hiểu nghĩa một từ, tra tự vị không đủ. Phải mở nó ra như mở một hộp đen.

Những vỉa chữ lộ thiên có nguy cơ cản trở sự hình thành của những câu thơ hay.

Tôi luôn ưu tiên những vỉa chữ hầm lò

LẠC QUAN

Nhận xét một người lạc quan là một người yêu đời chưa chắc là đúng.

Có lẽ nên hiểu đó là một người lễ phép.

BẾN CŨ NGƯỜI XƯA

Một số nhà thơ lãng mạn than vãn khi trở lại bến cũ không tìm thấy người xưa đã phạm một lầm lẫn về phương pháp.

 Người xưa chung tình đợi ta ở một bến ở phía trước.

NGHE MÌNH

Đối với một nhà thơ, nghe được tiếng nói riêng của mình là một nỗ lực hết sức khó khăn.

Nhà thơ mù người Mỹ gốc Jamaica – Louis Simpson tâm sự : “ Tôi đã mất gần trọn cuộc đời để quên đi tiếng nói của người khác và để có thể lắng nghe tiếng nói của mình ”

 

 

LÝ TÍNH VÀ TRỰC GIÁC

Cái hay của lý tính là khả năng phân tích giúp con người phân biệt giữa đúng / sai.

Cái dở của lý tính là sa lầy trong đó và không vượt nổi sự phân biệt nói trên.

Lý tính rất nhiều khi cần con đò của trực giác để sang sông.

TRUNG TÍNH

Một nhận xét về danh họa người Trung Quốc thể kỷ XIV, Nê Thẩm: Những yếu tố trong phong cảnh của ông hầu như được định vị trên cùng một tuyến và không tuyến nào thu hút được sự chú ý đặc biệt của người xem. Tuy nhiên phong cảnh trong tác phẩm hoàn toàn tồn tại như một phong cảnh, hơn nữa còn như phong cảnh của mọi phong cảnh. Bố cục trung tính này cho người xem một khả thể cơ bản (disponibilité essentielle)

THỰC VÀ ẢO

Biến một thế giới thực thành một thế giới ảo là một hành vi nghệ thuật.

Biến một thế giới ảo thành một thế giới thực nhiều khi là một hành vi phạm pháp.

Trong ngôn ngữ Hàng Buồm, người ta gọi đó là làm hàng đểu.

BẢN CHẤT

Bản chất của con người không phải một bản chất đóng mà một bản chất mở.

Nhà tư tưởng kiệt xuất người Tây Ban Nha Ortega Y Gasset đã diễn đạt ý này trong một đoản ngôn khá sâu sắc.

 “ Tôi được tạo nên bởi tất cả những cuộc gặp gỡ trên đường ”

 

KHÁCH QUAN VÀ CHỦ QUAN

Sự phân chia dứt khoát giữa khách quan và chủ quan 100% của vật lý cổ điển đã hoàn toàn phá sản trong vật lý hiện đại. Theo Heisenberg :

“ Khoa học tự nhiên không đơn thuần miêu tả và lý giải tự nhiên, nó còn bao gồm sự trao đổi giữa tự nhiên và chúng ta ”.

Hiện tượng không phải là tự nhiên mà là tự nhiên cộng với người quan sát và dụng cụ quan sát.

John Wheeler còn đi xa hơn. Ông cho rằng từ người quan sát chưa đủ và đề nghị thay nó bằng từ “ người tham dự ”

BÓNG TỐI MỚI

Cổ nhân nói một trong những phát hiện đáng biểu dương nhất của ánh sáng là những bóng tối mới.

VIẾT NHANH

Simenon, nhà văn Pháp gốc Bỉ, cha đẻ của nhân vật huyền thoại, thanh tra Maigret, nổi tiếng là một người viết nhanh.

Ông thường khoe : “ Nhiều khi tôi chỉ mất 7 ngày để hoàn tất một tác phẩm ”

Một hôm đạo diễn Hitchcock phôn cho ông : “Allô, tôi muốn nói chuyện với Simenon”

Cô thư ký trả lời :

-        Ông Simenon vừa bắt tay vào một cuốn tiểu thuyết mới

-        Nói với ông ấy là tôi ngồi chờ

ĂN CẮP

Nhà điện ảnh Vitali Vanuski có một tuổi trẻ khó khăn. Ông từng có thời gian làm nghề móc túi tại các sân ga để sống.

Dưới đây là một lời phát (tiêu) biểu của ông :“ Những xêcăng hay nhất của tôi là những trường đoạn tôi tranh thủ ăn cắp của vĩnh cửu”

Tâm phân học gọi đó là một lapsus linguae, tạm dịch là buột miệng.

ĐỊNH NGHĨA

Thơ hay tương tự như người đẹp, bao giờ cũng vượt khỏi những định nghĩa. Một người đẹp định nghĩa được là hoa hậu của lễ đăng quang ngày hôm qua.

PHƯƠNG ĐÔNG – PHƯƠNG TÂY  

Một câu rất phương Tây của các triết gia phương Đông : “ Muốn làm lại thế giới phải làm lại ngôn ngữ ”

ĐƯƠNG THỜI  

Thơ vừa hình thành vừa tự đặt ra những tiêu chí giá trị.

Có lẽ vì thế mà Michel Leiris chê Sartre – nhà triết học hiện sinh nổi tiếng sành điệu là một “độc giả không đương thời của thơ” (Lecteur non contemporain de la poésie)

TRUNG THÀNH VỚI THẦY

Carl Jung, nhà tâm phân học, một thời gian dài được coi là người kế vị tinh thần của Freud, nhận xét về sư phụ như sau :

“Freud coi đám môn đệ của mình như những bệnh nhân. Cái sai lầm lớn nhất của những người này là chẳng ai dám vuốt râu ông già”.

Jung đã trở thành một nhà tâm phân học lỗi lạc vì đã làm trái lời thầy đưa học thuyết ra khỏi giới hạn phòng the nam nữ vào phòng the lịch sử có tên là huyền thoại và tôn giáo.

MỘT LỜI KHUYÊN

Picasso khuyên các nghệ sĩ cố gắng bước ra khỏi lịch sử các trường phái kể cả lịch sử nghệ thuật, bước vào quảng trường lịch sử tinh thần của loài người.

VỊ THA

Khi thiền sư người Nhật Dogen ở Trung Quốc trở về, có môn đồ hỏi ông học được gì, ông đáp : “ Không học được gì ngoài lòng vị tha ”

Đải Ẩn giải thích : “ Vị tha là bước đầu của vô ngã ”

BÁ NHA

Bá Nha nói : “ Khi chơi đàn, Bá Nha không biết đâu là Bá Nha, đâu là cây đàn Long Môn ”

CHARLOT

Một nhà báo hỏi vua hề Charlot

-        Xin tiết lộ bí quyết thành công trong sự nghiệp hài tuyệt vời của ông ?

-        Sự nghiêm túc

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Một câu nói của cổ nhân rất cần thiết cho việc cải cách hành chính :

Quan đa tiệp kính / Nhiều quan tắt

Sĩ tâm hàn / Tâm kẻ sĩ lạnh

VIẾT TIỂU SỬ

Người ta nói nhà thơ Nga Marina Tsvetaeva rất kỵ các nhà viết tiểu sử bò bốn chân nhặt nhạnh những mảnh vụn ở gầm giường ghép lại cuộc đời các nhà thơ. Người viết tiểu sử hay nhất không phải một bà hàng đồng nát mà một người sáng tạo.

TÌNH DỤC HỌC

Bác sĩ phụ khoa nổi tiếng Pierre Simon nhận xét : “ Vào tuổi trên bốn mươi, tình dục của đàn ông có tính khí cụ, của đàn bà có tính âm nhạc ”.

 

 

GIÀ

Một câu thơ Châu Phi rất độc đáo không nhớ đọc ở đâu : “ Già là tự rút lui dần khỏi mặt mình ”

BẢN GỐC

Thế giới không có bản gốc, chỉ có những dị bản. Vì thế mới sinh ra văn học nghệ thuật

NGHĨA

Nghĩa không phải sự thật của chữ. Mà chỉ là một giả thiết.

ĐI CHƠI

Có người hỏi F. Ponge : “ Lúc buồn ông đi chơi đâu ”

Ponge trả lời : “ Đi chơi tự vị ”

ĐỘC ĐÁO

Thơ là lên giường một lúc với hai ý tưởng và làm cả hai cùng trổ đòng.

THIẾU VÀ THỪA

Lòa là thiếu ánh sáng

Lóa là thừa ánh sáng

Cả hai đều khiếm thị

NGƯỜI ĐIÊN VÀ NHÀ THƠ

Người điên lấy vé một lượt vào vô thức.

Nhà thơ lo xa lấy vé khứ hồi.

TIỂU PHÁP SƯ

Trong mọi thể nghiệm chữ đều có chút ít mê tín và các nhà thơ cách tân phần nào là những tiểu pháp sư.

 

 

ÓC TƯỞNG TƯỢNG

Fernando Pessoa , nhà thơ tượng đài Bồ Đào Nha có 72 biệt hiệu để có khả năng thay đổi nhân thân một cách thuận lợi.

Ông tâm sự :

“ Số phận chỉ cho tôi có hai thứ : Những sổ sách kế toán và óc tưởng tượng. Tôi có thể tưởng tượng ra mọi thứ vì tôi chẳng là gì cả. Nếu tôi là một cái gì đó, tôi sẽ không còn tự do tưởng tượng được nữa. Phó kế toán có thể tưởng  tượng mình là một Hoàng đế La Mã. Vua nước Anh thì không thể làm được điều đó vì vua nước Anh không có quyền tưởng tượng mình là một vị vua khác. Hiện thực của bản thân ông đã ngăn cản ông tưởng tượng. Thật bất hạnh”.

LẬP TRÌNH

James Watson, người đã phát hiện ra cấu trúc ADN và được mệnh danh là nhà ngôn ngữ học của sự sống, phát biểu về thành quả nghiên cứu của mình như sau : “ Điều khó chịu nhất của ngành di truyền học chính là ở chỗ nó cho chúng ta biết mình bị lập trình chặt chẽ đến mức nào.”

Cái khó chịu củaWatson cũng là cái khó chịu của các nhà thơ.

HẠNH PHÚC

Một họa sĩ già – hình như Monet – 80 tuổi vẫn tranh thủ vẽ một cô người mẫu Nhật thế hệ @ (?).

Ông nói : “ Cái hạnh phúc của một họa sĩ là khi mất sức làm tình trên giường vẫn đủ sức làm việc đó trên giá vẽ ”

DIỆN BÍCH

“ Tôi không ngoảnh về phía ngoại giới. Tôi muốn đối diện với bức tường ”

Nếu bịt tên Valéry đi, người ta có thể nghĩ đó là lời của một nhà sư Tây Tạng nói về phép “ diện bích ”.

EZRA POUND

Nhà thơ hàng đầu Hoa Kỳ, tác giả tập thơ đồ sộ “Cantos” trong Đại chiến lần thứ hai có liên hệ với đám phát xít. Khi chiến tranh kết thúc, ông bị quan chức Đồng Minh nhốt trong một chiếc cũi lớn, giữa thái độ khinh bỉ của giới trí thức tiến bộ (?).

Nhà văn Mỹ chống phát xít lẫy lừng thế giới, hết sức bênh vực người bạn hoạn nạn “ Nhà thơ lớn này dành 1/5 thời gian cho thơ, phần còn lại để giúp đỡ bạn hữu về phương diện vật chất cũng như nghệ thuật. Ông bảo vệ họ khi bị tấn công, đưa in những tác phẩm của họ trên các tạp chí và tìm cách chạy đưa họ ra khỏi các nhà tù. E.Pound là một bậc thánh.”

Bình luận về ông, nhà văn đồ sộ Ái Nhĩ Lan, J.Joyce viết :

 “ Cuộc đời của E.Pound là một thất bại, một thất bại đáng giá bằng mọi thành công của thời đại ông.”

Người ta quên mất rằng hoạt động chính trị chỉ là một phần nhất thời trong đời sống tinh thần của một nhà thơ.

TÀI VÀ BẤT TÀI

Người bất tài có thể làm mọi việc.

Người tài chỉ làm được những việc mình có thể làm.

NGHỊCH LÝ

“ Sống trong dối trá thường thú vị hơn trong sự thật.”

Dối trá thường mỹ miều quyến rũ.

Sự thật thường trần trụi khó nghe.

XÃ HỘI TRÌNH DIỄN

Cái nguy của một xã hội trình diễn là luôn kích thích sự tò mò. Lạ với tất cả mọi giá.

Người ta cố tình đồng hóa cái lạ với cái độc đáo.

Độc đáo có tính cách nghiệm sinh.

Lạ có tính cách du hý.

Xã hội nỗ lực sản xuất ra những ham muốn giả cùng những thỏa mãn giả. Với khẩu hiệu : “ Anh có thể là bất cứ gì anh muốn, miễn là không phải chính anh.”

CÂY CỌ VẼ

Một lần Titian vẽ chân dung Hoàng Đế Charles Quint, không biết vô tình hay cố ý, ông đánh rơi cây cọ xuống đất. Hoàng Đế thân chinh cúi xuống nhặt đưa cho nhà danh họa, và nói : “ Trẫm có nghìn quần thần nhưng chỉ một Titian ”.

ĐỊNH LÝ

Người ta không chỉ làm thơ với những điều kiện cần mà chủ yếu với những điều kiện đủ.

THIÊN TÀI

Theo Delacroix, đặc điểm của thiên tài không ở những ý tưởng mới mà ở thái độ ngoan cố, cho rằng tất cả những gì đã được nói đều nói chưa đủ.

CÁI DỊ BIỆT

Bị tống khứ qua cửa chính của những lý thuyết khoa học, cái dị biệt mộng du leo cửa sổ lần vào “hậu cung” của lý tính, có tên gọi là vô thức.

GIA DỤNG

Thơ trình diễn là thơ viết cho người khác ít nhiều có tính hàng chợ.

Chính vì thế mà nhà thơ người Áo lưu vong Paul Celan thường ưu tiên các nhà thơ “gia dụng”.

 

 

CHỦ THỂ - KHÁCH THỂ

Nhà thơ nắm được chữ đồng thời cũng bị chữ nắm, tạo thành một chủ thể /khách thể mới. Nó là bài thơ.

HIỂN NHIÊN

Wittgenstein ưa những nghịch lý, những giả thiết bất định hơn những định thức hiển nhiên “ một lần cho tất cả ”.

Theo nhà đại diện xuất sắc này của trường phái Vienne “ Ngay cả trường hợp mọi câu hỏi khả dĩ của khoa học đã tìm được lời giải đáp, những vấn đề cốt yếu của chúng ta đối với sự sống hầu như vẫn chưa được bàn tới.”

ĐOẢN NGÔN

Cioran có thể là một nhà văn may mắn với một số đoản ngôn “ xuất thần ” đáng xếp ngang hàng những câu thơ thú vị nhất thế kỷ :

“ Nghệ sĩ là người biết mọi thứ mà không hay

Triết gia là người cái gì cũng hay dẫu không biết gì cả ”

ĐƯƠNG LÀM VIỆC

Trước khi đi ngủ, nhà thơ Saint – Pol – Roux có thói quen treo trước cửa một biển thông báo : “ Nhà thơ đương làm việc ”

Ông hãi nhất có kẻ phá đám những “ giấc mơ tích cực ” của mình.

SAU AUSCHWITZ

Với câu hỏi lớn của nhà triết học “ Sau Auschwitz, người ta còn có thể viết được nữa không ? ”

Nhà thơ Hy Lạp, Elytis trả lời :

“ Vào thời kỳ những Auschwitz và Buchenwald ( những lò thiêu người của Hitler )” , Matisse vẽ những hoa trái dục cảm nhất, tươi mới nhất, hấp dẫn nhất như chưa từng xuất hiện ngoài đời… Tất cả một dòng, văn học đã phạm một sai lầm trong ý muốn đua tranh với những sự cố, tìm cách vượt trội chúng trong lĩnh vực kinh tởm, trong lúc lẽ ra phải cân bằng hóa giải chúng. Cố gắng đem lại một màu sắc kỳ diệu cho một thế giới khó coi đã mất đi bóng dáng của thần linh.

Nhiều nhà thơ quên mất rằng, thơ sinh ra là để sửa sai Thượng đế.

MÊ NGỦ

Cái ưu điểm lớn nhất của Phật giáo là chỉ ra rằng con người căn bản không phải là những kẻ lỗi lầm, những kẻ có tội mà là những kẻ mê ngủ.

Do đó chỉ cần tỉnh

Chứ không buộc phải xưng tội.

Trong các mặc cảm, mặc cảm tội lỗi là đáng lên án nhất.

HÉ CỬA

Thơ không nói tiếng nói cuối cùng mà chỉ hé cửa cho nó xuất hiện.

TIẾNG MẸ ĐẺ

Viết là tạo cho tiếng mẹ đẻ một chân dung mới.

XTÊRÊO

Nhiều độc giả quá mải nghe nghĩa nổi của câu thơ mà bỏ qua nghĩa chìm của nó.

Mọi câu thơ hay đều xtêrêo.

TRỰC TUYẾN

Nhà thơ có thói quen giao lưu trực tuyến qua văn bản

ĐÁNH THỨC

Nhà triết học gia người Đức, Leibniz, một những cha đẻ của ngành lozic học hiện đại luôn tự nhủ:

“ Phải đánh thức tất cả những đứa trẻ đương thiếp ngủ trong ta”.

 

CHÂN DUNG

Theo Aragon, tháng tư năm 1942,danh họa Matisse phải lòng một chiếc phô-tơi cổ Vơnidơ. Ông vẽ chân dung nó, một trong những bức tranh kỳ bí nhất thế kỷ.

HẠNH PHÚC

Hạnh phúc không phải lúc nào cũng hợp lý.

PHI THỜI GIAN

Nhà thơ phải kết hợp cái thời gian của một giai đoạn nhất định với cái phi thời gian của nghệ thuật. Đó là ý nghĩa lời nhận xét của Aragon đối với Fernando Pessoa. “ Vì Pesoa ở ngoài thời gian nên lúc nào ông cũng đương thời”.

Guillevic cũng khuyên nhà thơ sống một sự kiện hàng ngày trong những tọa độ của vĩnh cửu. Ông gọi đó là “hàng ngày vô tận”.

THƠ VIẾT HOA

Không có thơ bên ngoài thực hành chữ. Thơ viết hoa là một lạm dụng.

MƠ ƯỚC CỦA GORKI

Gorki thường mơ ước nắm chặt được chữ như một nắm đấm. Đó là một mơ ước không bao giờ thực hiện được và cũng không nên thực hiện làm gì. Một tác phẩm xuất sắc thường vượt qua sự kiểm soát, dầu hết sức ngặt nghèo của tác giả.

Chính vì thế mà Aragon nhận xét “ Thơ hay bao giờ dại chủ”.

BẨM SINH

Người Việt Nam có rất nhiều nhà thơ trẻ bẩm sinh. Vấn đề chính là làm sao cho nó tồn tại và trưởng thành.

 

 

HIỆU ỨNG BƯỚM

Năm 1961 một nhà khí tượng học người mỹ, Lorenz, nhận thấy một thay đổi tối thiểu lúc khởi đầu có thể dẫn tới những khác biệt tối đa về thời tiết. Ông gọi nó là một “hiệu ứng bướm” (effet papillon). Hiệu ứng này có thể được diễn tả nôm na như sau : mỗi biến đổi mi ni như cái đập của một cánh bướm có thể dẫn tới việc xuất hiện một cuồng phong. Hệ quả của nó là chỉ có thể dự báo thời tiết ngắn hạn vì thời gian tỷ lệ nghịch với độ chính xác.

Nhà tri thức học J. Duby bình luận về hiệu ứng này như sau:

“ Trong cuộc đấu tranh giữa khoa học và cái bất định, nó là cuộc đấu tranh chính yếu của tri thức con người, giờ đây không còn kẻ thắng, người bại. Khoa học có khả năng không ngừng đẩy lui những biên giới của bất định nhưng không bao giờ thủ tiêu được nó.

Nhà thơ nói : “lúc nào cũng có chỗ cho sự tình cờ và những cơ may”.

CHƠI SÚC XẮC

Mặc những tiến bộ lớn lao của vật lý, cả micro lẫn macro, và thiên tài kiệt xuất của Einstein, chưa ai chứng minh được rằng “ Thượng đế không chơi trò súc xắc”.

NẶNG – NHẸ

Nhà văn người Anh Chesterton có một lưu ý hết sức độc đáo: “các thiên thần bay được vì họ tin rằng mình siêu nhẹ”.

Ai cũng biết tác phẩm Don Quichotte của Cervantes là một trong những tác phẩm “number one” của nền văn học thế giới. Tài năng của ông là đã diễn đạt được những vấn đề hết sức nghiêm túc của nhân sinh bằng một giọng văn hết sức nhẹ nhàng.

Nietzsche khuyên các nhà văn quá nghiêm túc hãy tập nhảy cho nhẹ bớt mỡ và những bận tâm trịnh trọng hạng nặng.

BAY BỔNG

Phê bình một nhà thơ đương thời, Michaux viết:

“ Ông ta quá dính chặt với những hình hiện trên màn ảnh nhỏ nên không bay bổng được”.

Người ta nói rằng nhà thơ Pháp gốc Slave, Judi Stefan, chỉ viết khi các kênh ti vi đều tắt.

TỪ THẤT LẠC

Từ của thơ thường là những từ thất lạc lại được tìm thấy. Do đó thơ hay bao giờ cũng cho ta cảm giác hạnh phúc vì nó là sự tái ngộ.

NGÔN NGỮ ĐIỆU BỘ

Nhà thơ ứng xử với chữ như một người câm với ngôn ngữ điệu bộ.

DU HÀNH

Nhà văn du hành với một bản đồ địa chính chi tiết.

Nhà thơ du hành với một chiếc la bàn.

VÔ DỤNG

Trang Tử có một đoản ngôn rất độc đáo:

Thiên hạ ai cũng nhìn thấy lợi ích của cái hữu dụng.

Ít người nhìn thấy lợi ích của cái vô dụng.

Thơ chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực của cái vô dụng này.

Ý ĐỒ VÀ KẾT QUẢ

Danh họa Géricault tâm sự:

Mặc dầu mọi cố gắng, những tác phẩm ra lò của tôi thường rất khác những điều tôi muốn vẽ. Tôi bắt đầu bằng một hình phụ nữ và kết thúc bằng hình một con sư tử.

( Xin lưu ý: Có thể khẳng định rằng Géricault không biết câu ngạn ngữ Việt nam “ Sư tử Hà Đông”)

NGHĨA SONG HÀNH

Tượng của Giacometti vừa là tượng thực một con chó hoang ngoài phố vừa là tượng của sự cô đơn.

Chính sự phát nghĩa song hành này làm nên giá trị của tác phẩm.

RA TRƯỚC TÒA

Vợ diễn viên nổi tiếng người Pháp J. Berry cắm sừng chồng nhiều lần với các sĩ quan Đức quốc xã. Khi đại chiến kết thúc, cô bị khởi tố về tội có quan hệ với quân đội phát xít. J. Berry thân chinh ra tòa bênh vực cho người vợ lỗi lầm. Ông nói:

Thưa ngài chánh án, tôi đã tha thứ mặc dầu cô ta đã làm tôi trở thành trò lố bịch hơn ngài.

CHƯA KẾT THÚC

Tối rất thú khái niệm non finito của giới nhạc học Ý. Mọi bản giao hưởng đều chưa kết thúc. Và nghệ thuật không bao giờ đóng cửa vì hết giờ.

CHỤP ẢNH

Bill Brand, một nhà nhiếp ảnh nối tiếng người Anh chia sẻ:

“ Tôi rất muốn chụp một phòng trống nhưng không biết làm cách nào để có thể chụp được. Tôi bỗng nẩy ra ý kiến bố trí trong đó những phụ nữ khỏa thân. Đó là cách duy nhất để chụp một phòng trống”.

RÔBAI

Sau đây là một bài rôbai (đoản thơ) của Omar Khayyám, nhà thơ già Ba Tư thế kỷ XII

“ Tôi hoàn toàn không biết gì về Thượng Đế, Người đã sinh ra tôi/

Cũng không biết Người sẽ dành cho tôi Địa ngục hay Thiên đường/

Một ly rượu, một mỹ nhân, một cây đàn nơi đồng cỏ. Thế là đủ/

Còn lời hứa/ Xin Thượng Đế hãy giữ lấy mà dùng.

THÔNG GIÓ

Văn học gợi ý rằng thế giới phát nghĩa nhưng không định nghĩa một cách cụ thể.

Theo G. Gemette, cái quan trọng nhất của tu từ học là cho phép từ được thở. Muốn thở thì phải ra nhiều cửa, nhiều khoảng trống. Vì thế tu từ học mới phản đối một cấu trúc cố định khép cửa mà ủng hộ một cấu trúc bất định mở.

Sự chuyển động của nghĩa sẽ tạo ra gió của chữ, giúp cho sự thông thoáng của bản văn.

Một nho sĩ thời xưa vì hỗn láo với quan cai trị nên bị tống giam. Anh suốt ngày ngâm thơ. Cai ngục hỏi tại sao?

Nho sĩ trả lời:

“Để xua tà khí và thông gió”

CHỐNG HÀNG DỞM

Người ta làm thơ không phải để dạy dỗ hay đề xuất ra những lý thuyết. Người ta làm thơ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chống lại những hàng kém chất lượng của truyền thông đại chúng.

GIẢI THỀ

Những từ trong thơ thường mắc bệnh tương tư. Tôi đánh giá rất cao hai câu thơ trong truyện anh Trương Chi:

Anh Trương Chi buồn trở ra về

Cắm sào xuống nước mới hát giải thề một câu.

Những câu hát bất hủ của nhân loại thường là những câu giải thề

( khó giải).

 

 

GIẰNG CO

Bi kịch lớn nhất không phải sự thất tình mà là sự co kéo giữa hai đắc tình, trường hợp mà nhà lozic học Bateson gọi là double bind (hai mối).

THƯ TÌNH CỦA MỘT DANH HỌA

Trong một bức thư gửi người tình Madelène Chapelle, danh họa Ingres viết “Tôi yêu em mà tôi chưa nhìn thấy em bao giờ”.

CỰC CẢM

Việc xuất thần trong văn chương có nhiều điểm tương đồng với việc xuất tinh trong tình dục. Cả hai đều đòi hỏi trạng thái cực cảm (orgasme).

TÊN RIÊNG

Người tình là một Thượng đế có tên riêng.

VIẾT ĐỂ LÀM GÌ?

Một nhà báo nữ trẻ hỏi nhà văn Guatemala, Asturias, giải Nobel 1976:

-        Người ta thường nói nhà văn viết để đấu tranh cho sự tiến bộ của loài người, ý kiến riêng ông thế nào?

Nhà văn già nheo mắt cười hóm hỉnh:

-        Tôi viết để được tình nhiều hơn.

PHÊ BÌNH VĂN HỌC

M. Kundero bàn về ngành phê bình văn học đương thời kết luận một cách chua chát:

“ Ngành phê bình văn học đã chết nhường chỗ cho thời sự văn học của giới truyền thông”.

 

 

NGUYÊN TẮC

Nguyên tắc ứng xử với truyền thống nói chung là thêm vào hơn thiếu đi.

Bên một cái Tết Ta, ăn thêm một cái Tết Tây chẳng thú vị hơn sao?

TỰ NHIÊN

Nhà văn Henry James kể lại một câu chuyện khá thú vị:

Một họa sĩ được một hội đồng quý tộc đặt hàng một bức tranh. Ông muốn tả thật nên đã mời một số các nhà quý tộc một trăm phần trăm đến làm mẫu. Vẽ đi vẽ lại nhiều lần vẫn thất bại. Cuối cùng ông chỉ thành công khi thuê một đám mà cà bông đến hóa trang thành những nhà quý tộc.

Cái thật không phải ở phía tự nhiên thật mà ở nghệ thuật đóng giả tự nhiên.

Mọi chủ nghĩa tự nhiên đều là kẻ thù của nghệ thuật hiện thực.

Aragon dùng một biểu thức khá độc đáo để diễn tả ý tưởng này: nói dối-thật, mentir-vrai.

HÓA TRANG

Theo Freud, cái khoái của chơi chữ ( cũng như của thơ Lê Đạt) là ở thuật vượt qua cửa kiểm soát mà không bị thổi còi.

Thơ không phải ngôn ngữ tự nhiên mà là ngôn ngữ hóa trang đi qua đồn Cấm Chỉ của ý thức. Lẽ dĩ nhiên có không ít câu thơ bị giữ lại cũng như bị phạt. Thuật hóa trang này tôi học rất nhiều ở những giấc mơ và ở thầy đoán mộng nổi tiếng Lacan.

KHỎI BỆNH

Chữa khỏi cho một người bệnh tâm thần không có nghĩa là chữa cho anh ta trở thành người bình thường (normal), nhăm nhăm theo những tiêu chí chung ( normes communs) của xã hội và thiến đi cái độc đáo của họ. Bình  thường (normal) không đồng nghĩa với tầm thường (ordinaire).

HẬU DUỆ

Ford cho rằng sự tất yếu của thực hành là mẹ đẻ của sáng chế, nhưng thế hệ hậu duệ của ông hiện nay lại chủ trương ngược rằng chính sáng chế mới là mẹ đẻ của sự tất yếu.

GIẢN DỊ VÀ VÔ NGHĨA

Wittgenstein cho rằng đa số chúng ta không nhìn thấy những khía cạnh nhất của các sự vật do chúng quá giản dị.

Còn nhà triết học người Pháp Alain thì nhận xét rằng:

Những ký hiệu đơn nghĩa tạo ra sự buồn chán và do đó dần dần trở thành vô nghĩa.

CẠN KHÔN

Không ít các bậc hiền giả chuyên làm cố vấn quên rằng kho khôn sài mãi cũng cạn kiệt chỉ còn kho dại.

NGÔN NGỮ

Một lời phát biểu rất quan trọng những cũng rất khó hiểu của F. Saussure (?)

“Ngôn ngữ không có chủ soái chỉ có những phụ tá”.

Nó rất họ hàng với luận điểm cơ bản của Lacan:

“Ngôn ngữ từ đầu đã mất chủ thể”.

         

© Copyright Lê Đạt