ĐOẢN NGÔN IV

 

NHỮNG ỐC ĐẢO TRẬT TỰ

 

Theo Chowski, trong thế giới của chúng ta khoa học thiết lập những ốc đảo trật tự, tính toán, hiệu lực nhưng vẫn tồn tại những khu rừng bao la của sự lo lắng, lầm lẫn, dục vọng, đau khổ. Tinh thần thực nghiệm đòi hỏi phải hiểu biết , phải công nhận tính chính đáng, sự tất yếu phải có những tìm tòi triết học, những giá trị đạo đức và tôn giáo.

 

HỆ QUẢ

 

Lầm lẫn là hệ quả của chân lý và ngược lại.

 

NGỮ PHÁP

 

Freud và nhất là Lacan hơn một lần nhấn mạnh rằng giấc mộng cũng như thơ ca tự tạo ra ngữ pháp riêng của nó.

 

ĐIỀU KIỆN CẦN VÀ ĐỦ

 

Chỉ Thượng Đế biết rõ những điều kiện đủ- Con người chỉ biết được những điều kiện cần.

 

MAY RỦI

 

Câu nói sau đây là của Pasteur:

Sự may rủi chỉ ưu đãi những tinh thần đã được chuẩn bị.

 

CHƠI VÀ LÀM TÌNH

 

Rất nhiều người làm tình và ít người chơi tình.

 

THỎA MÃN

 

Thỏa mãn là một ham muốn chết.

 

 

 

 

KHOẢNG TRỐNG

 

Bộ óc con người, cũng như tự nhiên, rất sợ khoảng trống. Nếu nó không được lấp đầy bằng học thức, nó sẽ bị lấp đầy bằng sự dốt nát.

 

HAM MUỐN

 

Ham muốn là ham muốn cái chưa có. Nó luôn biến sự thỏa mãn thành bất mãn.

 

KHOA HỌC CỔ ĐIỂN

 

“ Khoa học cổ điển nhằm phát hiện một chân lý duy nhất, một ngôn ngữ duy nhất, nó giải mã toàn bộ vũ trụ. Khoa học luôn giả định sự đơn điệu xuẩn ngốc của thế giới mà nó phỏng vấn. Mọi thứ mà khoa học cổ điển động chạm tới đều khô héo và chết, chết với sự đa dạng chất lượng và sự độc đáo để trở thành hệ quả đơn giản của một định luật phổ quát. Chân lý của nó là một chân lý buồn tẻ.

Và prigogine kết luận:

Chúng ta lại phát hiện ra Thời gian, một thời gian nó không còn đối lập con người với tự nhiên mà tái định cư nó trong một vũ trụ “ đa sắc, đa thanh, đa nghĩa của sự phát minh và sáng tạo”.

Eistein, người khởi xướng ra ngành vật lý hiện đại và vị hoàng đế cuối cùng của ngành vật lý cổ điển cũng nhấn mạnh: : Chân lý không phải lời giải đáp cuối cùng mà chỉ là một giả thiết – Tự nhiên không trả lời đúng hay không đúng mà chỉ trả lời có thể.

 

CÔNG CHỨC

 

Điều mong ước nhất của A.Gide là được vào biên chế và trở thành “một công chức của sự thật”.

 

CÓ NGAY

 

Một ý kiến rất đáng lưu ý của Guy Debord, nhà lý luận trẻ của “xã hội trình diễn”:

“Tính phổ biến của văn hóa Mỹ nằm ở điểm nó không đòi hỏi sự cố gắng. Nó biết trả lời “có ngay” với những đòi hỏi thỏa mãn tức khắc của đứa trẻ thường ẩn náu trong sâu thẳm mỗi người chúng ta”.

 

MỘT CUỐN SÁCH

 

Một cuốn sách chỉ tồn tại khi nó được đọc lại. Ngày nay người ta chế tạo sách nhiều hơn là viết sách.

 

BỆNH MẤT NGỦ

 

Nhà thơ quấy rối sự yên ổn của chữ bằng cách đưa vào đó chứng mất ngủ của bệnh đa nghĩa.

 

CHÂN DUNG

 

Joseph Roth, nhà văn kiệt xuất người Áo rất thú Jacometti. Cả hai suốt đời thử nhiều chân dung mong tìm ra chân dung thật của mình.

 

RẮC RỐI

 

Một nhà báo hỏi Lacan “ Sao ông rắc rối thế”.

La can trả lời “ Tôi nghi ngờ những người đơn giản”

 

THÔ BẠO

 

Đàn bà cho sự âu yếm, nó làm mềm những hành vi tính dục phần nào thô bạo của đàn ông.

 

LẦM LẪN

 

Không ít người lầm lẫn cuộc Marathon văn hóa với một cuộc thi chạy tốc độ.

 

AN CƯ

 

Ông Bernanos, nhà văn Pháp kiệt xuất thế kỷ XX, tác giả cuốn Những nghĩa trang lớn dưới ánh trăng suốt đời không lúc nào an cư.

Ông là một khách “ cư trú vĩnh cửu”, luôn dọn nhà hết châu Âu lại châu Mỹ, cùng bầu đoàn nhếch nhác “ một vợ sáu con”.

Nơi nào ông cũng cảm thấy thiếu không khí đến mức không một lời tự do nào có thể hít thở được.

Nhà văn tâm sự:

Tôi lấy làm hài lòng vì đã xây dựng đời mình một cách “ hở hang” và người ta có thể ra vào đó như một cối xay gió.

Ông đau ốm triền miên.

“ Khi chiều đến, tôi không dám hỉ mũi sợ thấy một mảng óc mình trong mùi soa”.

 

NGU DÂN

 

Ngay từ thế kỷ XVII, Spinoza đã coi những vế đối lập : hợp lý / phi lý, tinh thần / vật chất, khoa học / tôn giáo, cá nhân / xã hội như hai mặt của một chủ nghĩa ngu dân.

 

HẬU KIẾP

 

Nistzche có một câu thật hay(?)

-         Một số nhà thơ sinh ra đã hậu kiếp (posthumous).

 

THỜI GIAN

 

Giờ phút trên đồng hồ không phải thời gian thật. Đó là thời gian hợp lệ.

 

BẢN SẮC DÂN TỘC

 

Nhà thơ đi sâu vào ngôn ngữ dân tộc và phát hiện ra một ngoại ngữ mang tên mình.

 

HAM MUỐN TRỜI ĐẦY

 

Một nhà văn đặc biệt khó tính người Pháp thế kỷ XIV tâm sự:

“ Suốt đời tôi bị hành hạ bởi một ham muốn trời đầy : Viết tất cả trong một cuốn sách. Viết tất cả cuốn sách trong một trang. Viết tất cả trang này trong một từ “.

Đó cũng là ham muốn trời đầy của không ít các nhà thơ.

 

TÌNH YÊU

 

Một câu nói rất khó hiểu của Lacan

Tình yêu là cung cấp cái mình không có cho một ai đó không cần.

 

 

ĐỌC SÁCH

 

Nhiều nhà phê bình đọc sách không phải để vui với nó mà để phán xét. Họ là những người đọc ảm đạm.

 

VŨ TRỤ

 

Vũ trụ là một cỗ máy sản xuất ra Thượng Đế.

 (Bergson)

 

VĂN HÓA

 

Văn hóa không cần và không nên có phòng cấp cứu. Một phòng trị liệu yoga có lẽ thích hợp hơn.

 

FAULKNER

 

J. Cornad tóm tắt cuộc đời của Faulkner, giải Nobel 1949, bằng ba động từ:

                  “ Im lặng – Uống rượu – Viết”

 

NHẬN XÉT TỔNG HỢP

 

Quinet , nhà sử học, nhà tư tưởng Pháp kiệt xuất thế kỷ XIX có một nhận xét tổng hợp hết sức độc đáo: Đức Phật là Đấng đại Cứu Thế của hư không.

 

PHI LÝ

 

Công lao lớn nhất của các nhà khởi xướng sân khấu của sự phi lý (théâtre de l’absurbe) là đã chứng minh một cách xuất sắc rằng phi lý là một lý khác.

 

VẬT LÝ LƯỢNG TỬ

 

Thuyết bất định và thuyết bổ sung trong vật lý lượng tử không chống lại thuyết nhân quả của Newton mà khiến nó trung thực hơn, mềm dẻo hơn và cũng đạo đức hơn. Nó cởi bỏ sắc phục của định mệnh để khoác bộ thời trang của xác suất.

 

ĐỊNH LÝ

 

Bạn thân và nguy hiểm nhất của tri thức là những định lý.

 

HÔ HOÁN

 

Một trong những thói quen không tốt của những phương tiện truyền thông đại chúng là hay hô hoán quá.

Hết hô hoán bắt được tiền lại hô bắt cướp.

Văn hóa cần sự yên tĩnh. Mọi hành động bóp còi inh ỏi phải coi như vi phạm văn hóa giao thông, cần nhắc nhở thậm chí phạt vi cảnh.

 

MỘT ĐẠO ĐỨC HỌC MỚI

 

Với những khái niệm thông thường về đạo đức học, coi nó như một triết học về giá trị, một lý thuyết về những chuẩn mực luân lý, Freud thêm vào một đạo đức học mới, quan niệm như một nghệ thuật ứng xử độc đáo của cá nhân trong xã hội chống lại mọi biểu hiện chuyên quyền.

Không phải chỉ có một cách sống mà có nhiều cách sống hợp thức – Hay nói như Freud: Không có cách sống hợp thức nguyên thủy mà chỉ có cách sống hợp thức “hậu vụ” (après coup).

Tự do bị giới hạn trong không gian và vô hạn trong thời gian.

 

THỜI GIAN

 

Einstein kiên quyết phủ nhận thời gian của các nhà triết học. “ Với chúng tôi, những nhà vật lý học chuyên nghiệp, việc phân biệt giữa quá khứ hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng, mặc thâm niên dai dẳng của nó”.

 

KHOA HỌC HIỆN ĐẠI

 

Khoa học cổ điển gần với thần linh – Nó tin ở những chân lý vĩnh cửu,  ở những quy luật tất định và bất biến. Khoa học hiện đại gần với con người. Nó đem thời gian và sự bất định của thế giới con người vào thế giới tự nhiên. Nói như Merleau-Ponty, nó đặt khoa học tự nhiên trong tình huống.

 

BÙI GIÁNG

 

Tôi không thích Bùi Giáng điên nhưng thích thơ Bùi Giáng rồ.

 

POPPER VÀ PLATON

 

Popper, nhà dân chủ triệt để rất dị ứng với Platon – Theo nhà logíc học của thuyết “khả sai” này:

“ Tất cả nền triết học của sự áp bức đều bắt rễ từ triết học của Platon và ý muốn cứu vớt nhân loại của ông”.

Xocrát là một con người.

Platon là một nhà nhân văn chủ nghĩa.

 

TÀI NĂNG

 

J. Brel, người được vinh danh là “Rimbaud của ca khúc” có một nhận xét khá độc đáo như sau:

“ Tài năng là ham muốn làm một cái gì đó - Tất cả còn lại chỉ là mồ hôi”.

 

NGHI LỄ

 

Tháng 12-1913, khi người ta tìm lại được La Joconde và đưa nó về Paris với nghi lễ đón một nguyên thủ quốc gia – Một hàng rào lính danh dự được bố trí tại tất cả các ga suốt hành trình của tác phẩm.

 

BATAILLLE

 

Tôi rất thú nhận xét sau đây của nhà văn Pháp Bataille :

Cái quý nhất của đàn bà là cái được dấu kín – Văn học cũng vậy.

 

BONAPARTE

 

Bonaparte chỉ có một khả năng : thắng trận- Còn về các khoản khác, bất cứ một viên tướng xoàng nào cũng giỏi hơn ông ta.

Flaubert đánh giá đây là một lời phát biểu xuẩn ngốc nhất của Chateaubriand  Ông cũng so sánh nó với “viên ngọc” khác của nhà phê bình trứ danh Sainte-Beuve.

 “ Corneill đã đem tất cả cuộc đời và tâm hồn cho sân khấu- Ngoài đó ra ông là một kẻ bỏ đi”.

 

ĂN SÁNG

 

Nhà tri thức học Gaston Bachelard tâm sự :

“ Hôm nay tôi ăn một bữa điểm tâm tuyệt vời: ba bài thơ. Tôi chúc các nhà văn trẻ duy trì được càng lâu càng tốt thói phàm ăn “chữ” này.

 

ĐẸP

 

Poincaré, một trong những cha đẻ của ngành toán xác suất thường nhắc nhở môn đệ: “ Giữa hai lý giải giá trị ngang nhau về một hiện tượng khoa học, tôi ưu tiên lựa chọn lý giải kiệm lời nhất không phải vì nó đúng hơn mà vì nó đẹp hơn”.

 

NHÀ KHOA HỌC

 

Theo Einstein, một nhà khoa học không phải một thằng xuẩn thông thái ( un idiot savant) – Anh ta thua một computer về tốc độ xử lý, có thể làm bốn phép tính còn lầm lẫn – Nhưng anh ta tạo được một vũ trụ khoa học mở.

 

THI BÒ SỮA

 

Simenon, tác giả bất hủ của thanh tra Maigret thường ví việc viết văn như một trận túc cầu.

“Cứ mỗi trang mất 800 gr mồ hôi”

Ông thường bắt cô nữ thư ký cân áo sơmi sau khi viết.

Trong 40 năm hành nghề, ông đã hoàn thành 216 đầu sách ( trong đó có 82 Maigret) và 550 triệu trang in. Và hoàn toàn không nhận một giải văn chương nào.

“ Những giải thưởng, những huy chương chỉ nhắc tôi nghĩ đến những cuộc thi bò sữa trong các hội chợ nông nghiệp”.

 

BẠN THÂN

 

Bạn nguy hiểm nhất của các nhà khoa học là các định lý.

 

MỸ HỌC

 

Tôi thích những đường thẳng ở đàn ông và những đường cong ở đàn bà.

 

TÁI THẦN TIÊN HÓA

 

Nhiệm vụ của một nhà thơ là sắp xếp những sự việc/vật hàng ngày của đời thường thành một tập hợp độc đáo có sức hấp dẫn của huyền thoại.

Các nhà triết học gọi đó là “tái thần tiên hóa thế giới” ( ré-enchanter le monde).

 

MARINA TSVETAEVA  

 

 

Ngày 31-8-1941, nhà thơ xinh đẹp và tài năng này treo cổ tự sát. Pasternak viết như sau:

Marina trốn trong cái chết bằng cách cho đầu vào nút thòng lọng như người ta núp đầu dưới gối.

 

CẢM XÚC MỸ HỌC

 

Mong ước lớn nhất cuả nhà thơ là đạt tới cảm xúc mỹ học. Một câu thơ rơi nước mắt không phải vì một tình huống “phim Hàn Quốc” mà vì một tình huống “chữ” đẹp đứt ruột.

 

LỜI PHÚC ĐÁP

 

Sau khi nhận được một bức thư của học trò ( nhiều người nói đó là Maupassant), Flaubert phúc đáp như sau:

“ Anh than phiền những trò trên giường rốt cuộc đều đơn điệu và nhàm chán, đó là lời than phiền tự nhiên chủ nghĩa không phải của một nhà thơ”.

 

TRƯỜNG PHÁI NABI

 

Maurice Denis, chưởng môn phái Nabi có một định nghĩa khá cách mạng về hội họa như sau : Một bức tranh - trước khi là một con ngựa chiến, một phụ nữ khỏa thân, hoặc bất cứ cái gì - chủ yếu là một mặt phẳng được phủ mầu theo một trật tự nhất định.

 

VU CÁO

 

Theo nhà văn Áo Thomas Bernhard, trên giường bệnh trước khi qua đời, Goeth nói Mehrn Nicht ( Thế là đủ). Các nhà văn học sử ưa giai thoại đổi thành Mehr Licht ( Thiếu ánh sáng) cho xôm trò.

Tôi xin phép được nhắc lại một lần nữa:

Đặt điều nói xấu người khác là vu cáo.

Đặt điều ca ngợi người khác cũng là vu cáo.

N.B: Tôi không biết tiếng Đức. Nhờ Phạm Thị Hoài hoặc Thái Kim Lan kiểm tra giúp.

 

 

ĐÍCH THỰC

 

Nhiều người chưa hiểu rằng một trong những từ nguy hiểm gây bất hạnh nhiều nhất cho loài người là từ đích thực – Vì nó là một ảo tưởng mang sắc phục chân lý.

Nói theo Popper, người ta chỉ có thể chứng minh là nó sai, không thể chứng minh là nó đúng.

 

GIAO TỪ

 

Khi bắt đầu một bài thơ đồng lúc người ta có cơ may được sống cảm giác thiêng liêng của giây phút giao từ Năm Mới.

 

NHAN SẮC ĐÀN ÔNG

 

Tài có thể coi là nhan sắc của đàn ông.

 

CÂU THƠ HAY

 

Mọi câu thơ hay đều tranh tối tranh sáng.

 

HẬU HIỆN ĐẠI

 

Nhấn mạnh đến tính chất “ chân ngoài” (outside) của hậu hiện đại, nhà lý luận chủ chốt của trào lưu này, Lyotard có một nhận xét rất cơ bản:

“ Triết học không ở trong thành phố, nó là thành phố tư duy-thành phố tư duy là thành phố đi tìm nhà đã mất”. Có lẽ vì thế nó luôn luôn tự vấn để khỏi nhầm nhà trong những chung cư.

Về thực chất nó là một tư duy lang thang.

 

KHÁC NHAU

 

Cùng một tình huống, nhưng trong tiểu thuyết ba xu nó đơn thuần là một giai thoại câu khách, trong tác phẩm văn học nó là cảm xúc lần đầu.

 

NGƯỜI MẤT TÍCH

 

Hermann Hesse, nhà văn Đức sau đổi quốc tịch Thụy Sĩ, tác giả “ Sói thảo nguyên” là một nhà văn cô độc.

Ông có một tuyên ngôn nổi tiếng

“ Viết văn đồng nghĩa với đi ở ẩn”.

Năm 1946, ông được giải Nobel văn học.

Giới truyền thông đã lùng xục khắp nơi vẫn không tìm được địa chỉ của nhà văn.

Có nhà báo đùa dai đã đăng tên ông vào mục “ Người mất tích”.

 

TỐI ƯU

 

Từ tối ưu, với tôi, có lẽ sáng giá hơn từ hoàn chỉnh.

J. Pauthan, người biên tập cự phách, phụ trách mảng văn học của đại gia xuất bản Gallimard tâm sự:

“Sự hoàn chỉnh có thể gây một dư vị nhàm chán – Lúc sửa những bản in thử đôi khi tôi thêm vào đó dăm lỗi nhà in”.

 

@

 

Tôi thích thế hệ a thẳng hơn thế hệ a còng (@) do một bộ nhớ quá nặng.

Một thư viện luôn có nguy cơ trở thành một nghĩa trang ( dầu là nghĩa trang kiến thức). Người ta tới nghĩa trang để tưởng niệm và suy ngẫm – không phải để sống.

 

STEVENSON

 

Khi được hỏi về nghĩa câu thơ Homère mà ông đặc biệt yêu thích:

“ Những người được thần linh yêu mến thường chết trẻ”.

Stevenson trả lời:

“ Chết trẻ là chết trước tuổi tỉnh mộng”, ( nó có thể rất ngắn mà cũng có thể rất dài).

 

NGỐC

 

Câu này hình như của Céline:

“Loài người kể cũng hơi ngốc – Cứ phải đợi đến những lễ hội được quy định mới dám vui hết mình – Thật buồn.”

 

CHESTER TON

 

“ Khuất phục trước một kẻ yếu là kỷ luật.

Khuất phục trước một kẻ mạnh là hèn nhát”

 

“ Người ta vào bệnh viện có thể để cưa bớt một chân.

Không ai vào bệnh viện để lắp thêm một tay dầu là một bộ óc cực kỳ sáng tạo”

 

“ Một người có thể tuyên bố : Tôi chán làm một thợ giầy, tôi muốn làm một nhà văn.

Không ai tuyên bố : Tôi chán đau đầu, tôi muốn đau răng”

 

“ Với tôi, đời là một trận đánh.

Với ông B. Shaw và giáo phái Calvin, đời là một đám rước dài với những kẻ thắng  ngực lòe loẹt huân chương và những kẻ bại bị xiềng xích.

Với tôi, đời là một tấn kịch.

Với họ, đời là một vĩ thanh”.

Nhà văn cự phách Nam Mỹ L. Berger rất mê Chesterton, tác giả cuốn “ Kẻ tên là thứ Năm” – Tôi chưa được đọc thơ ông và cuốn tiểu thuyết nổi tiếng kia nhưng chỉ căn cứ vào mấy đoản ngôn rất “ăng lê” nói trên, tôi có lý do để tin rằng ông là một nhà thơ “chơi” được.

 

QUÁ KHỨ VÀ TƯƠNG LAI

 

Thời của các động vật là thời quá khứ của những chương trình bẩm sinh.

Thời của con người là thời tương lai của các dự án “hậu sinh”.

 

ÁNH SÁNG

 

Trong các thứ ánh sáng, tôi dị ứng nhất ánh sáng đèn lồng.

 

ĐỊNH LUẬT

 

Với khoa học cổ điển, định luật được quan niệm như một sự thật tự thân.

Với khoa học hiện đại, định luật được quan niệm như một sự thật xác suất.

 

ĐỊNH MỆNH

 

Nhà tri thức học Foucault cho rằng định mệnh luôn đứng về phía quyền lực. Bản chất của định mệnh là quan liêu, ưu tiên những dấu than hơn là những dấu hỏi.

 

 

 

HIỆN THỰC

 

Valéry cho rằng từ hiện thực, bản thân nó không có nghĩa. Hay nói như các nhà vật lý lượng tử : không có hiện thực nguyên thủy hay cuối cùng chỉ có những hiện thực xác suất.

 

HOA HẬU

 

Người ta chiêm ngưỡng một hoa hậu và kết hôn với một người đàn bà.

 

KẾT LUẬN

 

Thế kỷ XXI, nạn cuồng tín và cực đoan lan tràn khắp nơi như một bệnh dịch. Những lúc đó, tôi thường trở lại Montainge, người “suốt đời nói chuyện với giấy”. Tôi luôn nghĩ đến thái độ hoài nghi xuất phát từ một trải nghiệm sâu xa về xã hội và con người, đến lòng dung nhân cận hiền giả của một nhà văn không bao giờ muốn cao đàm hùng biện cũng như rao giảng. Hãy nghe ông thủ thỉ.

-         Phần lớn những trường hợp rắc rối trên đời có lẽ đều bắt nguồn từ văn phạm.

-         Trên ngai vàng sáng giá nhất người ta vẫn ngổi bằng mông của mình.

-         Thái độ khăng khăng và cố chấp là biểu hiện rõ ràng của sự xuẩn ngốc. Lời nói, một nửa thuộc người nói và một nửa thuộc người nghe.

-         Chỉ có những kẻ điên đinh ninh và nhất quyết.

Bài học lớn nhất Montaigne sang tai cho tôi là:

“ Một trong những bi kịch của loài người là suy nghĩ thì chậm mà kết luận lại nhanh”.

Hay nói như nhà thơ già X:

“ Phần lớn những tai nạn giao thông đều xuất phát từ màn phóng nhanh vượt ẩu của những kết luận”.

 

ÁC KHẨU

 

P. Handke, nhà văn Áo “làn sóng mới”, tác giả cuốn “ Người đàn bà thuận tay trái” có một nhận xét cực kỳ ác khẩu về phong trào “ tân tiểu thuyết”

 (nouveau roman):

“ Đây không phải sinh nở mà là một vụ sẩy thai”.

 

 

 

PHÉP VỆ SINH

 

Tôi dị ứng biểu thức p.r : “ Biến ước mơ thành hiện thực”. Hiện thực hết ước mơ là một hiện thực dung tục, một hiện thực “yểu”.

Nhiều nhà lý luận vẫn chưa chịu hiểu rằng ước mơ là phép vệ sinh của hiện thực.

 

KHÚC GỖ CONG QUEO

 

Nhà xã hội học người Pháp nổi tiếng cuối thế kỷ XX, Alain Touraine bàn về tính hiện đại có một đoạn khá quan trọng:

“ Đôi khi vào lúc chiều buông, tôi nghĩ đến nhận xét của Kant về “khúc gỗ cong queo của nhân loại”, từ đó anh không thể đẽo gọt ra được một cái gì thẳng thớm cả. Tôi không tin ở một nền hòa bình hoàn chỉnh. Tôi làm việc cho một sự thỏa hiệp buồn tẻ, gầy guộc không hoàn chỉnh giữa các cá nhân và cộng đồng luôn phân chia và dị biệt nhưng không phải vì vậy mà không thể đạt tới một sự chung sống bất toàn.

 

ĐÚNG HAY KHÔNG

 

Không bao giờ ta có thể trả lời dứt khoát câu hỏi rất đơn giản: Đúng hay không?

Cái đúng, cái sai, cái thiện, cái ác thuần túy chỉ là những khái niệm phi nhân tính.

 

ÔNG THẦY

 

Nhận xét về nhà triết học người Pháp Alain, một học trò của ông đã viết:

“ Alain giải phóng chúng tôi khỏi sự khủng bố của những kiến thức” thông thái nhà trường và những khẳng định bị thiến sót.

Ông không dạy chúng tôi thuộc như một con vật bị thuần hóa mà dạy chúng tôi nghĩ như một con người tự do.

 

NÓI QUÁ HAY

 

Voltaire viết về Cicéron, nhà chính khách nổi tiếng hùng biện cổ La mã:

-         Ông nói quá hay đến mức ngờ rằng mình đã làm.

 

 

 

THÔNG ĐIỆP BÍ MẬT

 

Nghệ sĩ thường dấu những điều bí mật trong tác phẩm, nó làm nên sức hấp dẫn dị thường của chúng. Picasso tâm sự:

“ Trong bức tranh tĩnh vật Chiếc bàn tròn, những quả táo xanh đồng thời là những trái cấm trên vồng ngực vị thành niên của Marie Thérèse.

 

LO LẮNG

 

Meyerhold, nhà thơ Nga kiệt xuất bị bắt ngày 20-6-1939 và bị xử bắn ngày 2-2-1940 đã thành khẩn thú nhận mình hoạt động trong một tổ chức trôtkit phái hữu cùng với Pasternak, Ehrenburg, Malraux và nhiều nhà văn chống phát xít khác hoạt động gián điệp cho bọn phản động quốc tế Anh, Nhật. Điều ông lo lắng nhất là những lời khai báo không khớp với những tội mà ông bịa ra.

 

KHIÊM TỐN

 

Một lời bộc lộ khiêm tốn của Picasso: Hội họa mạnh hơn tôi, nó sỏ mũi dắt tôi đi.

 

HIỆN THỰC

 

Hiện thực trong một bức tranh không phải hiện thực ngoài đời mà là một hiện thực nghệ thuật.

 

MONG ƯỚC

 

Mong ước của nhà thơ là đạt tới trình độ người tu sĩ trong truyện cổ, có khả năng dùng lời giập tắt một đám cháy.

 

CAO NIÊN

 

Tôi rất thích câu trả lời “ on line” của nhà thơ tình già X : “ tôi là một cao niên tình nguyện”.

 

TÌNH NGUYỆN

 

Việc tình nguyện nào cũng đáng hoan nghênh. Tôi chỉ hơi băn khoăn trước việc tình nguyện làm thầy và làm thầy thuốc.

 

GIAI THOẠI

 

Có những nhà thơ sinh ra giai thoại. Và những giai thoại sinh ra nhà thơ.

 

ÁP LỰC

 

Chống lại áp lực truyền thông nhiều khi còn gay go hơn áp lực quyền hành. Vì nó ngụy trang dưới lốt dân chủ.

 

TUYỆT ĐỐI

 

Tuyệt đối không nên thay thế không dám nghĩ lớn bằng dám nói lớn.

Một bên sinh ra của cải.

Một bên sinh ra lạm phát.

 

ƯỚC MƠ VÀ HIỆN THỰC

 

Tôi dị ứng hiện thực thông dụng “biến ước mơ thành hiện thực”.

Một hiện thực hết ước mơ là một hiện thực dung tục, một hiện thực yểu.

Nhiều người quên mất rằng ước mơ chính là phép vệ sinh của hiện thực.

 

Ý CHÍ SỨC MẠNH

 

Ý chí sức mạnh ( volonté de puissance ) của Nietzsche không đồng nghĩa với ý chí quyền lực như một số người lầm tưởng (rất nguy hiểm) mà là ý chí sáng tạo dâng hiến ( donner).

Nó là sức mạnh khẳng định của người tự do, hoàn toàn không phải sức mạnh phủ định ( négative) của kẻ nô lệ.

Đồng hóa người mạnh với khái niệm siêu nhân của chủ nghĩa quốc xã là một sự vu cáo.

Một câu nói khác rất nổi tiếng và bị hiểu lầm nhiều nhất của N.

“ Người ta luôn cần bảo vệ những người mạnh chống lại những kẻ yếu”.

 

ÔI THIỆN Ý

 

Em gái Nietzsche, cô Ellisabeth là một người phụ nữ rất yêu anh mình. Cô đã cùng mẹ hết lòng chăm sóc nhà triết học những năm cuối đời bệnh tật triền miên của ông. Ngoài ra cô còn xây dựng một kho lưu trữ nổi tiếng (Nietzsche – Archiv) tại Weimar - Để quảng bá tư tưởng của người quá cố. Do một trớ trêu của số phận cô đã trở thành kẻ phản bội N. lớn nhất các thời đại vì đã có thiện ý chứng minh rằng ông là người phát ngôn của lý tưởng quốc xã và biến nhà tư tưởng nổi loạn kiệt xuất hàng đầu trong lịch sử nhân loại thành một viên công chức triết học mẫn cán của cực quyền đương trị.

Ôi thiện ý! Địa ngục thường được lát bằng những thiện ý.

 

BÀ MỤ

 

Tôi tri ân những bà mụ cấp một và suốt đời chống lại những bà mụ cấp hai.

 

CẦN VÀ ĐỦ

 

Quá trình tiêu hóa của nhân loại là biến những điều đủ của những thế hệ trước thành những điều kiện cần của những thế hệ sau.

 

THỜI SỬ

 

Càng ngày tôi càng bận tâm thời sử hơn là thời sự.

 

CẦN

 

Bản năng cần hạ nhiệt.

Lý tính cần tăng nhiệt.

 

TỰ VỊ

 

Điều rắc rối là từ đã sẵn một nghĩa  chung.

Làm thơ là thương lượng với tự vị xin cho từ ra ở riêng.

 

TRẢ LẠI

 

Ngôn ngữ là từ hóa sự vật.

Thơ là vật hoa hóa từ, trả lại vị thơm cho từ hoa.

Vì róc rách cho từ suối

Vị mứt cho từ môi.

 

DUY NHẤT

 

Tự nhiên tạo ra mỗi người như một cá thể duy nhất.

Chính văn hóa (?) đã biến nó thành cá thể phiên bản đồng dạng.

Thiên hạ quên mất rằng phương pháp nổi tiếng về những phản xạ có điều kiện của Pavlov là dành cho thú vật.

Con vật được thuần hóa để làm theo.

Con người được giáo dục để làm khác.

 

NHÀ THƠ

 

Nhà thơ là một cư dân ngoài –văn phạm.

 

THÓI QUEN KHÔNG TỐT

 

Một thói quen không tốt của một số độc giả thơ là quá chú mục những

scăngđan phòng the mà vô tâm những scăngđan chữ.

 

NGOẠI PHẠM

 

Trước vành móng ngựa lịch sử, thơ nên được bổ sung mục những chứng cứ ngoại phạm.

 

THIỀN VÀ THƠ

 

Thơ có thể giống thiền về phương pháp nhưng rất khác thiền về đích tới.

Đích tới của thiền là vô tâm

Đích tới của thơ là đa tâm.

Một người thiền đa tâm là bất cập. Một người thơ đa tâm là thượng thừa.

 

LÝ TÍNH

 

Quá lý tính là đã mất lý tính.

Chủ nghĩa duy lý là một định danh sai lầm.

 

1…2…3

 

1  phải là độc đoán

2  phải là dân chủ

3  phải là a dua

 

 

 

 

NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI

 

Trong cuộc họp các nhà văn đương thời, X thường không có mặt. Lý do rất đơn giản: Ông là người đương thời của hậu thế.

 

NGỦ QUÊN

 

Không ít nhà trí thức ngủ quên trong những tiện nghi nhà mình.

Theo X. cái bi kịch nhất của một nhà trí thức là ngủ quên trong “nhà toalét khách sạn năm sao”.

 

KIỂM DỊCH

 

Giống người khác là hội chứng nhiễm bệnh của nhà thơ,  cần khẩn trương đến khám tại một trại kiểm dịch của cơ quan y tế.

 

TIẾP THỊ

 

Tiếp thị là bơm khí cho bóng bay.

Vừa thì tốt. Quá thì nổ.

Con người có thể chết vì đói

Cũng có thể chết vì bội thực.

 

ĐẦU VÀ CUỐI

 

Hy vọng ở cuối đường hầm.

Thất vọng ở đầu đường hầm.

 

NGÃ TƯ

 

Người lỗi hẹn ở một ngã tư có thể hội ngộ ở một ngã tư khác.

 

NHÀ THƠ HỤT

 

Năm 1957, 5 năm trước khi qua đời và 7 năm sau giải Nobel, Faulkner nói với sinh viên đại học Virginia:

“ Tôi những muốn là một nhà thơ…Vào giờ phút này đây tôi vẫn tự coi mình như một nhà thơ hụt hơn một nhà tiểu thuyết”.

 

 

KHÓ XUẤT BẢN

 

Tủ sách N.R.F lẫy lừng theo sự góp ý của một nhà văn lẫy lừng A. Gide đã từ chối xuất bản cuốn Phía nhà Swan của Proust.

Năm 1913, Bernard Grasset chỉ đồng ý xuất bản cuốn tiểu thuyết tuyệt vời này với điều kiện tác giả bỏ tiền túi ra in.

 

HAI PHÍA

 

C. Milosz, giải Nobel 1980 có thể gọi là nhà văn của những cuộc di cư chính trị lớn thế kỷ XX – Hãy nghe ông phát biểu.

- Người di cư chính trị giống loài cây quặt quẹo trên đất người nhưng sẽ chết nếu đem trồng lại trên mảnh đất quê hương.

- Một phía những kẻ chung thân yên ổn

Một phía những kẻ sống lậu vùng biên nhiệt đới, vĩnh viễn bất hạnh, hộ chiếu cầm tay.

 

HƯ KHÔNG

 

Hư không không có nghĩa là trống rỗng-mà có nghĩa là chay lòng . Những chân nhân ngủ không mộng” của Trang Tử.

 

HIỂM NGUY

 

Theo Claudel: “ Đàn bà luôn là mối hiểm nguy của mọi Thiên đàng”. Claudel quên rằng: “ Đàn bà cũng là điều kiện không có của mọi Thiên đàng”.

Đàn bà là giá của Thiên đàng.

 

NGƯỜI THAM DỰ

 

Trọng cách nhìn lượng tử vũ trụ trở thành một mạng những tương tác do mỗi bộ phận cấu thành hoàn toàn được xác định bởi những mối liên hệ của nó với tập hợp.

Không có vật tự thân riêng lẻ như những viên gạch mà là những gói liên quan (paquets de relation).

Người ta gọi vật lý lượng tử là vật lý thông que và vật lý xác suất.

Nó rất gần với quan điểm của Phật học.

Theo Suzuki: “ Các nhà phật học quan niệm khách thể như một sự kiện,  không phải như một sự kiện”.

John Wheeler đã rất có lý khi đề nghị thay định danh người quan sát (observateur) thành người tham dự (participant).

Vũ trụ là ta và ta là vũ trụ.

 

KHÔNG TƯỞNG

 

Không tưởng cần cho lý tính như không khí cần cho phổi để thở.

 

SỰ KHÁC BIỆT

 

Sự khác biệt khởi sinh ngay ở tâm sự đồng nhất.

 

HÌNH DUNG TỨ

 

Chúa Cứu thế nói bằng hình dung tứ.

 

LỊCH SỬ VÀ NHỮNG LỖ THỦNG

 

Lịch sử như một bánh phó mát gruye có rất nhiều lỗ hổng.

 

HY VỌNG

 

Ông già Héraclite là một người lạc quan. Theo ông:

“ Không có hy vọng, người ta không bao giờ tìm được cái tưởng không bao giờ thấy.

Nói một cách nôm na hơn : không có hy vọng không bao giờ người ta trúng số độc đắc.

 

ĐI TẮT

 

Trong văn hóa đi tắt nhiều khi là con đường dài nhất.

 

MỞ HÉ

 

Cửa chân lý không bao giờ mở toang mà chỉ mở hé.

 

PHÓNG VIÊN CHIẾN TRANH

 

McCullin là một phóng viên ảnh chiến tranh, có mặt và bị thương tại hầu hết những điểm nóng cuối kỷ XX, nổi tiếng về những phóng sự ảnh.

Mặt trận Huế năm 1968- Những bức ảnh về trẻ em Biafra năm 1969, đã làm xúc động toàn thế giới.

Ông là phóng viên đắt giá nhất của tờ Sunday Times. Năm 1986,  ông chủ mới của tờ báo tuyên bố:

“ Tôi không muốn những cảnh thê thảm hoặc chiến trận trên tờ báo của mình nữa mà là những cảnh tươi mát,vui chơi”.

McCullin: “ Tôi có nguy cơ trở thành một kẻ lỗi thời. Tôi đã 57 tuổi. Tôi biết tôi phải chuyển sang một mặt trận khác, một cuộc chiến tranh “ cảm xúc mới”. Tôi hạnh phúc vì lần đầu tiên mắt tôi không còn đắm chìm trong máu. Nhưng không phải vì thế mà những hình ảnh của tôi suy giảm cường độ.

Tôi có thể phục kích hàng giờ chờ đợi giờ H. một bông hoa nở.

Khẩu hiệu của tôi là: Nhìn thẳng vào cái chết – nhìn thẳng vào sự sống.”

 

THỰC CHẤT VÀ PHỤ GIA

 

Nabokov, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng “ Lolita” có một nhận xét rất cơ bản về tiểu thuyết hiện đại:

“ Bút pháp và cấu trúc là thực chất một cuốn sách. Những ý tưởng lớn chỉ là những phụ gia”.

 

ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI

 

A.Vialatte là một nhà văn viết ít nhưng lưu lại nhiều. Cuốn “sách lịch bốn mùa” ( Almanach des quatre saisons) đến nay vẫn còn thu hút không ít độc giả.

Theo ông một nhược điểm của phần lớn các nhà triết học thế kỷ XIIX là quá sùng bái ánh sáng, không biết rằng ánh sáng nhiều khi cũng làm người ta lóa mắt không nhìn thấy. Vilalatte chủ trương viết để “làm tối”, tăng cường chất huyền bí khiến ánh sáng bối rối.

“ Viết chỉ thú vị khi tác phẩm thông đồng với nhà văn, khi cả hai “đẻ chung” ra một cái gì thật sự không chờ đợi”.

Vialatte ưu tiên một sự thật huyền thoại hơn một sự thật đời thường.

 

NGOẠI CUỘC

 

Malto, nhà hội họa bất hạnh người Chi Lê cho rằng.

“ Cái sai lầm của phần lớn các nghệ sĩ hiện đại là ở ngoài vũ trụ và đứng trên một ban công nhìn nó. Họ không nghe được tâm sự phòng the của vũ trụ vì là người ngoại cuộc”.

 

BÀI HỌC LỚN

 

Các nhà vật lý thiên văn dạy các nhà khoa học thực nghiệm một bài học lớn –  Sau tất cả những tính toán tinh vi và những kính thiên văn cực đại, cái mà họ phát hiện ra là những lỗ đen.

 

HỌC QUÊN

 

Tôi phải học gần trọn một đời để quên tiếng nói của người khác và nghe được giọng riêng của mình.

 

THẰNG GÙ

 

Russel và Wittgenstein cho rằng tư duy khoa học là một tư duy hết sức quan trọng nhưng không phải duy nhất.

Từ đầu thế kỷ trước Nietzsche đã cảnh báo các nhà tư tưởng độc canh tự nhốt mình trong những phòng cách ly quá chật chội nguy cơ trở thành những thằng gù.

 

LƯỠNG CỰC

 

Cái đúng, cái sai, cái thiện, cái ác đều là những khái niệm khuyết tật của một loài người lưỡng cực.

 

VĂN HÓA FAST FOOT

 

Người Mỹ hình như sống quá gấp nên thường bỏ sót – Cứ 5 năm hoặc 10 năm họ lại tổ chức một cuộc nhìn lại. Những “ rétrospective”  có thể là đặc sản của nền văn hóa fast foot.

 

LÀM QUEN

 

Viết là cái thiểu số đám đông giúp họ làm quen với những cái không quen, những vùng sâu, vùng xa hẻo lánh bản thân.

Viết không phải để độc giả thừa nhậnthức nhận.

 

PHÉP ỨNG XỬ

 

Nhà thơ đãi chữ như đãi khách.

 

TÂM SỰ MỘT HỌA SĨ

 

Tôi bắt đầu bằng tập vẽ tay trái cho đến khi nó trở thành một tay phải khác.

 

CHỨC NĂNG

 

Chức năng của công chức là thực hiện những quy định chung.

Chức năng của nghệ sĩ là thực hiện những quy định riêng.

Họ là những tư chức!

 

KIÊN NHẪN

 

Chống thiên tai không phải chỉ là một sự kiên nhẫn dài.

Nhưng người kiên nhẫn có cơ may làm Thượng đế động lòng chính sách một kỳ ngộ.

 

HẠNH PHÚC

 

Con người khốn khổ vì những định nghĩa hạnh phúc.

 

NHỠN TỰ

 

Nhỡn tự của Thiền không phải từ khổ tu mà từ đốn ngộ.

 

ĐẠO

 

Đạo là con đường – Đường để đi – Không phải để ngắm.

 

LÃO TỬ

 

Lão Tử có lẽ là triết gia cảnh giác nhất với những định nghĩa.

Định nghĩa là gốc của sự đồng chuẩn. Cũng là gốc của sự chia rẽ.

Chính sách của Lão Tử là một chính sách Mặt Trận (thật sự).

 

GỐC

 

Gốc của sự sống là sinh ra nhiều phiên bản chứ không phải cóp theo nguyên bản.

 

 

KỸ TÍNH

 

Mỗi lần bàn giao, tự nhiên xuất kho hàng triệu triệu tinh trùng chỉ để lựa chọn một.

Đó không phải lãng phí-Đó là sự kỹ tính của những nghệ sĩ lớn.

Sự sinh sản là một công nghệ kỹ tính-Không phải hàng chợ.

 

TIỆN VÀ BẤT TIỆN

 

Điện thoại di động là một tiện lợi “hai téch” tuyệt vời. Bất tiện lớn nhất là nó có thể khởi sinh tình thoại di động. Các cụ đã dạy, tình yêu không nên tiện lợi quá.

 

THAM QUAN

 

Địa chỉ hấp dẫn nhất tuyệt đối không nên tham quan: Kho bạc nhà nước.

 

THƯ VIỆN

 

Thư viện là Ngân hàng tiết kiệm có lãi xuất cao nhất.

 

SÙNG BÁI

 

Tình yêu là sự sùng bái trần tục thiêng liêng nhất.

 

MẠO HIỂM

 

Cuộc mạo hiểm nhất là cuộc mạo hiểm ra khỏi mình.

 

VĂN HÓA

 

Văn hóa, bản thân nó đã là đa văn hóa. Văn hóa là những dự định. Bộ văn hóa là những quyết định.

 

KẺ ĐỊCH

 

Nhà thơ X là kẻ địch lợi hại nhất cũng là người bạn trung thực nhất của ông.

 

 

 

NGHỊCH LÝ

 

Những nghịch lý là đường hai chiều của một nền giao thông lành mạnh. Người ta có thể căn cứ vào số lượng những đường một chiều để chẩn đoán sức khỏe của một xã hội.

 

THIÊN ĐƯỜNG

 

Cái bất hạnh nhất của những Thiên đường là cấm sự khổ đau.

 

BẤT ĐỊNH

 

Thơ ưu tiên những định nghĩa bất định.

Nhiều người chưa chịu hiểu rằng bất định là dự trữ an toàn lương thực của những định nghĩa.

 

PHÂN VÂN

 

Phân vân là bóng của sự quyết đoán.

 

BÌNH CŨ RƯỢU MỚI

 

Bình cũ rượu mới không phải một khái niệm trong ngành.

 

GIỚI HẠN

 

Điên rồ là giới hạn cũng là dự trữ của sự tỉnh táo.

 

THƠ TÌNH

 

Làm thơ tình là bận tâm đến dục tính của chữ.

 

SỐ ĐÔNG VÀ THIỂU SỐ

 

Số đông không phải tính cộng mà tính trừ của những thiểu số.

Người ta sẽ đạt tới số đông tuyệt đối khi thiểu số bằng không.

 

 

 

 

CẦN VÀ ĐỦ

 

Lịch sử phát triển của nhân loại là thay thế những điều kiện cần của thế hệ sau bằng những điều kiện đủ của thế hệ trước.

 

VĂN PHẠM VÀ BÚT PHÁP

 

Văn phạm đòi hỏi tính chuẩn mực.

Bút pháp khuyến khích tính phi chuẩn.

Văn phạm đứng về phía đa số.

Bút pháp đứng về phía thiểu số.

Mâu thuẫn tạo ra lực hấp dẫn của thơ.

 

TỒN TẠI VÀ SỐNG

 

Tồn tại là tiếp tục những thói quen.

Sống là thay đổi những thói khác.

 

THIỀN

 

Thiền là sống trọn vẹn từng phút từng giờ đời thường như những sự kiện.

Bình thường tâm không phải vô tâmhư tâm.

 

HAI PHẠM TRÙ

 

Người tình phát nghĩa.

Người vợ định nghĩa.

 

DÀI HẠN

 

Một số nghệ sĩ ưa gửi tiết kiệm dài hạn, lãi đời sau mới thanh toán.

 

HOÀN CHỈNH VÀ TỐI ƯU

 

Thế kỷ XVIII, XIX là thời của những model hoàn chỉnh.

Thế kỷ XX, XXI là thời của những model tối ưu . Đó là một bước tiến bộ lớn về nhận thức.

 

 

 

CHƯƠNG TRÌNH MỜ

 

Người ta nói rằng nhà điều khiển học nổi tiếng Zadeh, cha đẻ của những robot “Fuzzy” đời mới ( với những chương trình mờ) đã nảy ra khái niệm trên sau khi đọc Mallarmé.

 

DỐI TRÁ

 

Một số nhà động vật ứng xử học ( éthologistes) đã đặt ra một câu hỏi hóc búa : Hành vi dối trá gắn liền với ngôn ngữ. Vậy loài động vật ( không sở hữu ngôn ngữ) có khả năng dối trá không?

 

SIÊU NGÔN NGỮ

 

Không có siêu ngôn ngữ cuối cùng, siêu ngôn ngữ này có thể là ngôn ngữ của một siêu ngôn ngữ khác.

Cuốn Sách ( le Livre) của Mallarmé là một không tưởng.

 

KẾ HOẠCH

 

Những vần thơ độc đáo thường là những đứa con ngoài kế hoạch.

 

ĐẺ THUÊ

 

Nhà thơ là người đẻ thuê cho thần linh.

 

SINH SẢN KHÔNG VUI

 

Sinh sản vô tính là một sinh sản không vui vì không có đối thoại.

 

XUẤT TINH VÀ XUẤT THẦN

 

Flaubert có một phác thảo câu câu đối rất đáng tự vị:

Xuất tinh là cực cảm của tình dục

Xuất thần là cực cảm của tình chủ

 

KHÔNG CÓ CHÂN

 

Nhiều chân lý không có chân và đi bằng tai

 

ƯU TIÊN

 

Tôi ưu tiên những phiến luận giải phóng những nghĩa có thể - những khả nghĩa- của chữ hơn những nghị luận chặt chẽ trên cơ sở những định nghĩa sẵn.

 

ĐẠO VĂN

 

Tối rất muốn “đạo” đoạn văn này của Lucar:

Người ta nói rằng tôi là một kẻ không nghiêm túc. Đúng là trong một số bài viết tôi có những chỗ bông phèng không vừa mũi các vị chức sắc đại học. Đúng là tôi chẳng có gì buồn phiền về nghề nghiệp- Hay nói đúng hơn tôi chỉ mỗi một buồn phiền: Càng ngày tôi càng có ít người để chia sẻ những lý do của niềm thích thú riêng.

 

ĐỌC SÁCH

 

Đọc sách là đi mót trên những bãi vàng đã khai thác của cổ nhân và mê tín câu : Thánh nhân đãi kẻ khù khờ.

 

ĐƯƠNG THỜI

 

Bây giờ chắc không còn nhà thơ viết như Shelley

         If winter come

                   can spring be far behind

         Nếu mùa đông đến

                   chắc mùa xuân không thể ở xa

Câu thơ được coi là hay của một thời

Và bây giờ vẫn cứ hay

Một câu thơ hay không bao giờ lạc hậu, lúc nào cũng đương thời vì nó mang thời gian đi theo.

 

PHONG CÁCH

 

Nietzsche, người khuyên ta “xây nhà bên núi Vésuve” thực hành triết học như một nghệ sĩ – Đối với nghệ sĩ, cái quan trọng nhất không phải học thuyết mà là phong cách, “ phong cách lớn của đạo lý” ( le grand style de la morale).

 

 

HUYỀN THOẠI

 

Lúc khởi sinh, huyền thoại có cái ngây thơ của óc tưởng tượng dân gian. Về già càng ngày nó càng trở nên sơ cứng bất động trong những tượng đá được phụng thờ. Khi huyền thoại đã hoàn toàn mất đi tinh thần sáng tạo đa dạng của đời sống tâm linh, nó trở thành một cơ thể chết, nguồn gốc của ý thức hệ giết người cũng như tôn giáo độc đoán.

 

TÁC GIẢ

 

Nói như Valéry “ Tác giả là một chi tiết vô ích” thì hơi quá.

Nói như các nhà phân tâm học “ Tác giả là một chấm phát dục” lại e hiểu lầm.

 

ĐỌC

 

Rimbaud căn dặn: Người ta không chỉ đọc thơ bằng mắt mà bằng tất cả các giác quan.

 

ĐIỀU KIỆN

 

Con vật bị điều kiện bởi giống loài.

Con người bị điều kiện bởi ngôn ngữ.

 

VỠ LÒNG

 

Bài học vỡ lòng của tâm phân học là trong cách ứng xử của con người không có sự vô nghĩa mà một nghĩa bị che dấu hay nói theo Lacan, một nghĩa bị tẩy xóa.

 

THÁCH THỨC

 

Thơ là một thách thức những thói quen của con người.

 

DANH NGÔN

 

Lỗ Tấn, trong truyện Khổng Ất Kỷ có một danh ngôn:

-         Ăn cắp sách không phải ăn cắp.

Khi “chôm” cuốn Verlaine toàn tập được bầy bán trên kệ sách và bị cảnh sát bắt về trụ sở, Jean Genet cũng có một danh ngôn không kém:

-         Ăn cắp văn được khuyến khích. Ăn cắp sách bị lên đồn.

 

TRỊ GIÁ VÀ GIÁ TRỊ

 

Tôi không biết trị giá của cuốn sách, nhưng tôi biết giá trị của nó.

 

TƯƠNG LAI

 

Tương lai hào phóng về hứa hẹn và bủn xỉn về thực hiện.

Đó là một đối tác hay vi phạm hợp đồng.

         

© Copyright Lê Đạt