ĐOẢN NGÔN V

 

 

HỒI KÝ

 

Hồi ký là sự thật ( kỷ niệm) bước ra từ một mỹ viện.

 

SOI GƯƠNG

 

Người đàn bà soi gương hy vọng thế nào cũng có lúc gương nói dối.

 

ĐỌC

 

Đọc người khác là một cách tốt nhất để hiểu mình.

 

THIÊN ĐƯỜNG

 

Thiên đường là một doanh nghiệp quan liêu bao cấp cần xã hội hóa.

 

MẤT GỐC

 

Nhà triết học yêu đám đông và suy nghĩ một mình.

Cá nhân là gốc của đa số. Người chỉ suy nghĩ công cộng là một người mất gốc.

 

CƯ DÂN

 

Trước khi là cư dân của một xứ sở, người ta là cư dân của một ngôn ngữ.

 

CHÂM BIẾM

 

Kẻ thù của mọi quyền hành, mọi giáo lý là sự châm biếm. Nó là vũ khí phòng thân lợi hại nhất của tự do.

 

MỘT MẮT

 

Nhà phê bình X chỉ có một mắt để nhìn những nhược điểm của người khác.

Ông là một người khuyết tật nghề nghiệp.

 

 

NHỮNG BỨC THƯ CỦA CICÉRON

 

Sau cái chết của Tulia, cô con gái rượu, Cicéron lui về ở ẩn tại quê nhà. Và không nguôi viết những bức thư chia buồn gửi cho mình. Rất tiếc những bức thư này đã thất lạc hết. Nhưng tôi đoan chắc rằng trong đó thế nào cũng có những câu thơ kiệt xuất.

 

ÂN SỦNG

 

Vào phút chia tay, một câu thơ hay rất có thể nán lại trước thịnh tình của chữ.

Các nhà thần học gọi đó là ân sủng của Thượng Đế.

 

KHÓ VÀ DỄ

 

Tin ở mình là khó nhất

Tin ở Thượng Đế là dễ nhất.

 

THẦN LINH VÀ CON NGƯỜI

 

Khi được mời dự một lễ tôn giáo, Plotin, nhà triết học cổ Hy Lạp nổi tiếng trả lời:

-         Thần linh phải đến với con người hơn là con người đến với thần linh.

Đó là một đoản ngôn tuyệt vời về chế độ dân chủ.

 

SỐNG

 

Sống là tồn tại bên kia những tuyệt vọng dầu chỉ một khắc.

 

THAY ĐỔI NGÔN NGỮ

 

Đối với nhà thơ, thay đổi ngôn ngữ cũng tương tự như viết một bức thư tình với một tự vị.

 

TỰ HÀO

 

Người ta có thể tự hào về những cái mình đã làm. Người ta cũng có thể tự hào về những cái mình không làm.

 

 

SÁNG SUỐT

 

Trong tình yêu, sáng suốt nhiều khi là nguồn gốc của sự đau khổ.

 

PHÒNG THE

 

Đọc một số nhà văn tình dục đôi khi ta có cảm giác xấu hổ của người bất chợt bị bắt quả tang nhòm qua lỗ khóa.

Phòng tình là phòng the, không phải phòng triển lãm.

 

BÀI THƠ HAY

 

Một bài thơ hay bao giờ cũng song ngữ - tiếng mẹ đẻ và tiếng của thần linh.

 

NHẠC JAZZ

 

Cuộc sống như nhạc jazz, cả hai đều đầy ngẫu hứng.

 

GÁI HÀ NỘI

 

Gái Hànội là năm phần thực, năm phần ảo.

Gái Hànội phát nghĩa như một di sản đồng thời như một huyền thoại.

Gái Hànội đẹp như cổ tích.

 

ĐỒNG THUẬN

 

Đồng thuận không phải loại bỏ những bất đồng mà là chia sẻ những bất đồng một cách có văn hóa.

 

TỰ NHIÊN VÀ VĂN HÓA

 

Tự nhiên sinh ra những cá nhân

Văn hóa sinh ra những nhân cách

 

DŨNG CẢM

 

Sự hằn thù có thể làm con người trở thành dũng cảm.

Chỉ có lòng bao dung mới có thể làm con người trở thành cao thượng.

 

 

TƯ DUY

 

Tư duy là tư duy ở biên thùy những lý thuyết.

 

SỐNG NGUY HIỂM

 

“Giờ đây hãy tập sống nguy hiểm như một nghệ sĩ”.

Đây không phải lời kêu gọi của nhà thơ nổi loạn Rimbaud mà của một triết gia, Nietzsche.

 

ĐUỔI KỊP

 

Làm thơ là cố gắng đuổi kịp chữ để chứng kiến buổi bình minh của nghĩa.

Có lẽ vì thế mà René Char gọi nhà thơ là con người của Rạng đông.

 

MẪU SỐ

 

Thơ không cần mẫu số chung.

 

BASHO

 

Người ta đi để mà đến

Basho đi để mà đi

Con đường là nhà của ông.

 

HIỆN TẠI

 

Thời của tình yêu luôn là thời hiện tại. Nó là một nguyên tử của vĩnh cửu, một thời gian của thần linh, không phải của con người.

 

THƠ TỰ DO

 

Thơ tự do là thơ tuân theo những quy tắc khác, nội tâm hơn, tinh tế hơn, dân chủ hơn.

Không còn quy tắc thì cũng không còn nghệ thuật.

 

THUẦN HÓA

 

Cái nguy cơ nhất của văn hóa là thuần hóa.

 

MẶT NGƯỜI ĐÀN BÀ

 

Mặt người đàn bà hiếm khi tự nhiên.

Đó là một sản phẩm được chế tác, một mặt nạ, một họa phẩm. Nhưng nói như Claudel:

“ Mặt người đàn bà thường không nói thật” có lẽ hơi quá.

 

NHỮNG CÁCH SỐNG KHÁC

 

Sống là trải nghiệm những cách sống khác chưa bị thói quen tịch thu.

 

VĂN HỌC

 

Roland Barthes có một nhận xét khá độc đạo về văn học:

Văn học là nơi người ta có cơ may tiếp xúc với ngôn ngữ ngoài quyền hành.

 

MÚA

 

Thế giới Tây phương sợ khoảng trống.

Phương Đông lấy khoảng trống làm nền tảng của tư duy và nghệ thuật.

Múa là quên mình đi, toàn thân nhập vào chuyển động tự nhiên như một thành phần của vũ trụ.

Nhà vũ đạo bậc thầy người Nhật Kazuo Ohno nói:

“ Hãy múa không chân không tay”.

 

CỨU NẠN

 

Mọi cố gắng của nhà thơ là cứu vãn đứa trẻ bị ngộ độc bởi những chân lý quá quen thuộc của người lớn.

 

NẶNG BỤNG

 

Thơ nhiều ý quá sẽ nặng bụng khó bay.

 

DI TRUYỀN HỌC

 

J. Watson, nhà khoa học phát hiện ra A.D.N, ngôn ngữ của tế bào, có một câu nói khá độc đáo:

“ Cái khó chịu nhất của di truyền học là cho chúng ta thấy rằng con người bị lập trình đến mức nào!”

Sự phát triển của nhân loại đi từ những chương trình cứng đến những chương trình mềm ( hay mờ).

 

HAM MUỐN

 

Nhà văn Ba lan Rozewicz viết về sự mơ ước như sau:

Cái ngày tôi nhận rõ mình chẳng bao giờ có thể sẽ là Napolêông được nữa có lẽ là ngày trọng đại nhất đời tôi.

Sau đó là cuộc sống thực vật có nghĩa là tôi đã sống như mọi người.

 

TÊN MÌNH

 

Hãy chăm sóc tên mình.

Nó đời sống lâu dài hơn anh.

                            (D. Radovic, Nam Tư)

 

CÓ VÀ CŨ

 

Đối với người làm thơ, mọi con đường đã có tên đều cũ.

 

DI CẢO CỦA VIRGILE

 

Virgile là một nhà thơ rất kỹ tính. Ông thường dạy môn đồ:

“ Phải chăm sóc những câu thơ của mình như gấu mẹ chăm sóc gấu con”.

Trên giường bệnh, khi hấp hối ông vẫn còn băn khoăn về một số câu thơ “chưa được chăm sóc đến nơi” của mình và dặn con phải đốt di cảo.

Vua Oguyxtơ đã phải đích thân hạ chỉ “cấm” không ai được hủy hoại di cảo của nhà thơ.

 

NHẬT KÝ

 

Trong nhật ký, Delacroix viết năm 1824: Cái làm nên thiên tài không phải ở những ý tưởng mới mà ở sự đinh ninh rằng những lời đã nói đều nói chưa đến nơi.

 

PHÍA BÊN KIA

 

Người làm thơ hoạt động phía bên kia những định nghĩa ở vùng tranh tối tranh sáng của chữ.

 

GIẢI THÍCH VÀ TÂM SỰ

 

Nghệ sĩ không giải thích ngoại giới mà tâm sự ngoại giới.

 

PHỨC HỢP

 

Đây là lời lưu ý của J. V. Neumanm,nhà điều khiển học nổi tiếng thế giới, cha đẻ của những rôbốt.

“ Với tư cách là một sản vật phức hợp, cách ứng xử của một robốt vượt ngoài tầm hiểu biết của tôi ( mặc dầu tôi là người đã khai sinh ra nó) và có thể ngoài tầm hiểu biết của chính nó.

Thơ cũng là một sản vật phức hợp – Nó vượt ngoài tầm nhận thức của nhà thơ làm ra nó.

 

RỪNG CHỮ

 

Trong rừng chữ lúc nào cũng có một công chúa đương ngủ.

 

THƠ TỨ TUYỆT

 

Một nhà thơ Nhật nói về thơ tứ tuyệt như sau:

Dòng một là dòng khởi nhập.

Dòng hai là dòng phát triển dòng một

Dòng ba là dòng chuyển sang một ý mới

Dòng bốn kết hợp dòng một và dòng ba thành một khối phát nghĩa.

Ví dụ

         Hai cô gái con một người bán hoa tại Tokyo

         Cô chị 20, cô em 18

         Một anh lính có thể giết người bằng lưỡi kiếm

         Hai cô gái có thể giết đàn ông bằng cặp mắt sắc.

 

CÂU HỎI VÀ TRẢ LỜI

 

Cái hay của câu hỏi là đánh thức.

Cái dở của câu trả lời là ru ngủ.

 

ĐƯƠNG ĐẠI VÀ LỖI THỜI

 

Làm bạn tự nhiên là đương đại.

Làm chủ tự nhiên là lỗi thời.

TÊN  EM

 

Anh niệm tên em khi qua bến Lú

Như một bùa chú chống quen

 

Chủ tịch UBMTTQ Hồ Chí Minh nên quy định Mặt trận có chức năng phản biện xã hội không chỉ ở giai đoạn dự thảo chính sách mà có chính sách rồi vẫn cần tiếp tục phản biện hoặc chính sách đúng nhưng nơi này nơi khác thực hiện méo mó thì Mặt trận cũng phải lên tiếng.

                                                                  ( VN net 29/2/008)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 .

 

VĂN PHẠM VÀ BÚT PHÁP

 

Văn phạm đòi hỏi tính chuẩn mực. Bút pháp khuyến khích tính phi chuẩn.

Văn phạm đứng về phía đa số. Bút pháp đứng về phía thiểu số. Mâu thuẫn tạo ra lực hấp dẫn của thơ.

 

TCHAIKOVSKY

 

“ Âm nhạc của Tchaikovsky tuy được khán giả yêu mến nhưng lại bị những người sành sỏi và các nhạc sĩ coi chẳng ra gì, giống như chiếc máy biết than khóc mà thôi” H.C.Schonberg  

Dư luận Tch. tự tử vì đồng tính.  

Cuộc hôn nhân với cô sinh viên Antonina Miliukova chỉ là cái cớ để gạt bỏ những niềm say mê nguy hại.

Ông nhiều năm quan hệ đồng tính với người cháu của Công tước Stenbock Fermor.

S.F tố cáo lên Nga Hoàng đệ tam, Alexandre III nói với bác sĩ Vassily Bertenson “ Tch. phải biến mất ngay”.

 

         

© Copyright Lê Đạt