Đám ma Sêkhốp
Tình mồ ba thước nhắc cỏ thầm xuân
Những năm cuối đời Sêkhốp không được vui. Tuy mới bốn mươi chưa đến cái tuổi tri thiên mệnh, tóc đã bắt đầu rụng, và một vài chiếc răng đã lặng lẽ lung lay. Đã xa rồi cái buổi sớm Mạc Tư Khoa năm ấy khi nhà văn trẻ cho đến nay thường xem viết lách như một trò đùa " vừa giải trí vừa kiếm tiền" bỗng dược thiên hạ tuyên dương " hiện tượng văn học" sau khi truyện Thảo nguyên được đăng trên tạp chí Người đưa tin phương Bắc. Các bà chủ, khách thích nơi kinh kỳ giành giật Sêkhốp như một món hàng thời trang Pari đời áp chót. Vinh quang đột ngột không khỏi làm nhà văn lo ngại. Nhỡ họ lầm. Nhỡ ông ngồi lẫn số ghế của Tonxtoi. * * * Nhưng ông không có thì giờ để lo ngại lâu. Tiểu tiệc, đại tiệc rồi những buổi pícníc nơi thắng cảnh. Suốt ngày bận rộn...kể cũng mệt. Nhưng mệt một cách thú vị. Sêkhốp cảm thấy mình được các bà nuông chiều như một chú rể cưng đầy triển vọng. Hết bà thiếu tướng lại bà cố vấn, hết bà công tước lại bà bá tước... - Con gái yêu... đây là nhà văn Sêkhốp. Con chơi một bài Mazuôcka để ông nghe. Và cô gái ngoan ngoãn ngồi vào dương cầm đánh như bổ củi. Ôi những ngón tay mỹ miều... như những búp hoa... Có lẽ đây là lao động chân tay vất vả, nặng nhọc nhất của chúng. - Con đọc thơ Xuli Pruydon để ông thưởng thức. Tiếng Pháp là trang sức không thể thiếu của lớp người cao sang, có học thức trong giới thượng lưu Nga. - Bài Cái bình vỡ ấy... Cô tiểu thư béo tốt, khỏe mạnh đưa tay lên bộ ngực đồ sộ cố run giọng để biểu hiện tiếng nức nở của con tim tan nát nom thật tội nghiệp. " Đừng đụng vào đây Bình đã vỡ rồi". Âm hưởng câu thơ chìm trong tiếng vỗ tay ầm ĩ. Sêkhốp vừa vỗ tay theo vừa rủa thầm mình là một thằng ngốc. "Lần sau thì cạch". Nhưng không khí tưng bừng của những buổi dạ vũ, những bước vanxơ nồng nhiệt bồng bềnh theo bước sóng con sông Xanh Đanuýp lại lôi kéo nhà văn xuất thân từ một vùng quê mùa và buồn tẻ khỏi bàn viết lạnh vắng. Cốc rượu của quang vinh nhiều cặn đắng nhưng say người.
Vào một buổi tối trước khi đi ngủ, thấy ngứa cổ họng, Sêkhốp khạc ra một bụng máu. Là một thầy thuốc, ông không còn ảo tưởng gì về tương lai của mình. Với trình độ y học thời đó, bệnh lao là một án tử hình chờ. * * *
Các cụ nói phúc bất trùng lai họa vô đơn chí có lẽ không đúng lắm. Cái vui và cái buồn thường tiếp theo nhau như một miếng mồi nhử người ta sống và hy vọng. Không ai trượt xổ số suốt đời mà vẫn tiếp tục chơi. Cùng vào thời kỳ này Sêkhốp, tác giả những truyện ngắn, một thể loại thường bị văn giới rẻ rúng như một loại thứ phẩm, một đứa con ngoài giá thú, được giải Pútsơkin, giải thưởng sang nhất trong các giải văn học. Không những thế Tonxtoi, vị Sa hoàng tinh thần của nước Nga còn công khai nhận xét: "Sêkhốp là Pútsơkin trong văn xuôi" Chà lôi thôi quá. Sêkhốp không còn đơn thuần là một chàng trai đáng yêu, một chú rể kim loại quý của các bà mẹ quý tộc có con gái đến tuổi gả chồng hay quá lứa. Ông đã trở thành một văn hào, một ngọn đuốc tinh thần của nước Nga. Sêkhốp không được chuẩn bị để đóng vai này. Và hình như suốt đời ông chống lại việc đóng trò ngay cả khi ông đã trở thành nhà viết kịch bàn đầu của thế giới. Ghét của nào, trời trao của ấy hỡi ôi! Người trẻ tuổi ngày nào còn vô tâm như trong hồi ký của Kôrôlenkô: - Ông có biết tôi viết những truyện ngắn như thế nào không? Đây... Sêkhốp đưa mắt nhìn quanh trên bàn, cầm lấy chiếc gạt tàn thuốc lá trong tầm tay, đặt trước mặt tôi. - Ngày mai nếu ông muốn tôi sẽ có ngay một truyện ngắn với tiêu đề Cái gạt tàn. Con người vô tâm ấy nhất đán được phóng lên thượng đỉnh vòm trời văn học. Sêkhốp nhận được nhiều quý trọng, nhiều vị nể và đương nhiên cũng chuốc lấy vô khối ghen ghét. Nói vũ trụ vô tận có chỗ cho tất cả mọi người là một câu tào lao. Vũ trụ chật hẹp lắm và ghế anh chiếm được tất nhiên là xâm phạm vào vị trí có thể của tôi! Hay diễn đạt như một nhà thơ: " Đối với một số người cái đầu không quan trọng bằng bộ phận đặt trên ghế ngồi của họ". Sêkhốp nhà văn gắng sống và viết như một người có giáo dục, có lần đã không nén được tức giận, đã quá lời một cách cay độc. " Các nhà phê bình như đám ruồi bâu vào hút máu con ngựa đang lặc lè leo dốc". Đây là lần hiếm hoi Sêkhốp nổi đóa nhưng kể cũng khó mà bình tĩnh được khi một nhà phê bình xem văn ông đã tiên đoán rằng "Sêkhốp sẽ chết say rượu dưới gầm cầu". Nhưng ai cấm được họ. Cầm bút viết văn in truyện tức là chấp nhận một thân phận công cộng làm sao vui lòng khách đến vừa lòng khách đi tất cả cho được. Thôi thì những lời thị phi nhờ trời tín dụng cho ta. Nhưng không phải chỉ có những lời hôi miệng của đám quân bút Pác Chung Hi. Chúng không làm ta đau bằng những lời chê trách vô sở cứ của những người ta hằng yêu mến kính trọng, đã từng có thời ta nghĩ có thể là tri kỷ của mình. Nước Nga đang sống những ngày thê thảm nhất của một chế độ Sa hoàng về già ngày càng đồi bại. "Những con người đi tìm chân lý", "những chiến sĩ vì tự do" lũ lượt hàng đàn áo lông rách bốt thủng trên đường lưu đày tới Xibêri. Không khí hình như quá bị hâm nóng để người ta có đủ bình tâm, đủ kiên nhẫn thưởng thức một tác phẩm văn học. Nhà đạo diễn nổi tiếng Danchenko viết: "Một quả thắng đậm sẽ đến với nhà văn mà tất cả tài năng vỏn vẹn là một bộ râu, um tùm và bề thế, đã cho xuất bản một tác phẩm sau một thời gian dài lưu đày chính trị. Hình thức thơ ca bị khinh rẻ. Trong thơ nhan nhản những câu như "Hãy gieo rắc cái chân và cái thiện". " Dũng cảm tiến lên tin tưởng tuyệt vời" mà người ta nhai đi nhại lại đến buồn nôn. Cái âm khí xô bồ ô nhiễm cả những tài năng thật sự. Gorki vào những năm đó xuất hiện trên vòm trời văn học như một thiên thạch. Nhà văn chân đất này thổi vào một không khí hoang dại, dữ dội, tàn nhẫn và cao thượng của những kẻ cùng đinh lang thang kiếm sống dọc con sông mẹ Volga, những tên ma cà bông đầu tiên của nền văn học Nga. Sêkhốp rất yêu mến Gorki. Ông đã góp phần không nhỏ trong việc khẳng định tài năng của Gorki trước công chúng. Nhưng chính Sêkhốp đã không nề hà viết cho Gorki những dòng gay gắt dưới đây: "Lần sau nếu anh còn viết ẩu như lần này, tôi thề sẽ không đọc anh nữa". * * * Bitxôp là một nhà thơ được Sêkhốp kính trọng. Chính Bitxôp đã đăng những truyện ngắn đầu tiên của Sêkhốp vào tạp chí đáng kính nể do ông phụ trách và cấp cho truyện ngắn một chứng chỉ sang trọng. Bức thư của Bitxôp viết cho Sêkhốp thật chân tình. " Anh không được phung phí tài năng, đó là một ân sủng mà Thượng đế ưu ái cho anh. Anh phải tự vượt mình, làm một cái gì nghiêm túc hơn. Một nhà văn chân chính bao giờ cũng phải có một lập trường rõ rệt". Và Sêkhốp đã viết một truyện có lập trường rõ rệt đem đến gửi tòa soạn. Vừa gặp lần đầu Bitxôp đã gây cho Sêkhốp một ấn tượng mạnh. Đó là một con người cao lớn, mắt hiền từ như mắt một con bê sau cặp kính gọng kim loại và nhất là một bộ râu đẹp như râu Abraham trong Cựu ước. Bitxôp vừa bị lưu đày ở Xibêri về được hơn một năm. Vốn người rụt rè, Sêkhốp cứ ngồi im vân vê vành chiếc mũ phớt còn quá mới. Bitxôp nheo mắt cười, giọng trầm vang như tiếng đàn ống nhà thờ. - Tôi sẽ cho in truyện Sinh nhật của anh. Bitxôp mở ngăn kéo rút bản thảo của Sêkhốp đặt lên bàn giọng bỗng nghiêm khắc: - Truyện viết tốt nhưng lập trường vẫn chưa rõ. Sêkhốp dặng hắng mấy lần mới nói được: - Tôi tưởng lập trường thế là rõ. - Lập trường thế nào? - Bitxôp cười. Sêkhốp hơi đỏ mặt: - Ông không thấy tôi công khai chống lại sự dối trá sao? Bitxôp bỏ kính xuống, giọng ôn tồn hơi kẻ cả: - Anh bạn... đó không phải là lập trường. Tôi muốn hỏi anh đứng về phía nào: phía bảo thủ hay phía tự do? Với thời gian, Sêkhốp ngày càng đinh ninh rằng dối trá là chứng hoại thư của thế kỷ, nó đục rỗng tận gốc đạo đức và nhân phẩm cũng như ô nhiễm mọi quan hệ xã hội. Nó len lỏi khắp nơi như một đạo quân vi rút nằm vùng gây nhiễu loạn mọi thông điệp và làm tê liệt sức đề kháng của ngôn ngữ vũ khí phòng thủ lợi hại nhất của con người. Những từ thanh cao loại một như chính nghĩa..., tự do..., đều có nguy cơ trở thành hàng rởm tại trận. Nhiệm vụ cấp bách của nhà văn là phải chống lại nó ngay tại trận chữ của mình. * * * Sau này khi Viện Hàn lâm Hoàng gia khai trừ Gorki theo lệnh Sa hoàng, Sêkhốp đã không do dự rút khỏi tổ chức sang trọng nói trên để phản đối. Ông nhận được một bức thư của Bitxôp hết lời ca ngợi "dũng cử của nhà văn". Sêkhốp phúc đáp: " Tôi đã làm một việc cần làm đối với bất cứ một ai biết tự trọng. Suốt đời tôi chống lại sự dối trá. Nó là anh em song sinh với sức mạnh man rợ. Tôi không dám nhận lời khen dũng cử. Dũng cử của nhà văn trước hết là trong sáng tác". * * * Thư độc giả từ khắp nước Nga đổ về Mêlikhôvô, nơi Sêkhốp cư ngụ. Những thư hoan nghênh, xin chữ ký. Những thư xin tiền. Những bản thảo. Những câu hỏi đủ loại. Về bệnh tật. Ai cũng biết Sêkhốp là một thày thuốc. Về chuyện riêng tư. Một người có vợ ngoại tình hỏi Sêkhốp xem có nên giết vợ không? Hình như Sêkhốp muốn trả lời chung trong một truyện ngắn. " Một vị giáo sư nổi tiếng có một cô gái nuôi. Cô gái đã từ biệt ông đi sống cuộc đời sân khấu và tình yêu. Tất cả đều thất bại. Người thiếu phụ cực đẹp và thông minh kia trở lại tìm bố nuôi để xin một lời khuyên. - Hãy giúp đỡ con! Cô gái vừa nói vừa nức nở nâng tay tôi lên hôn. Vì bố không những là một người bố mà còn là người bạn của con! Vì bố thông minh, có học, từng trải. Bố có rất nhiều đệ tử. Bố hãy chỉ cho con biết cần phải làm gì. - Katia, bố thú thật với con, bố cũng không biết phải làm gì. Chỉ những kẻ ngu xuẩn mới hiểu biết tất cả mọi sự..." Không ai nghe thấy lời trần tình khẽ khàng của ông. Những bức thư vẫn đổ tới. Và ông vẫn phải trả lời với nỗi lo lắng và khổ tâm của một người bị bịt mắt chỉ lối cho những người mù. * * * Thiên hạ không những gửi thư, người ta còn đổ tới Mêlikhôvô như đến một nơi hành hương. Cửa Sêkhốp lúc nào cũng rộng mở. Bánh mỳ và muối lúc nào cũng hào phóng. Sêkhốp nhớ mãi người giáo viên ấy. Anh ta nom già hơn tuổi. Bộ comlê tuy còn mới những cũn cỡn bị nhậy cắn và may theo thời trang trước đó hơn chục năm. Chắc đây là bộ đồ chào cờ của chủ nhân. Mặt đăm chiêu như một kẻ táo bón. Người anh ta sắp tiếp xúc là một văn hào chứ có phải thường đâu. Khổ, anh ta chuẩn bị cuộc gặp gỡ như chuẩn bị một trận đấu võ. Sêkhốp mời anh ngồi, rót nước trà và mời ăn mứt, cố tạo không khí thoải mái nhưng anh ta không uống cũng không ăn. Giọng quan trọng, anh hỏi: - Thưa văn hào, ngài tán thành vô thần hay hữu thần? Sêkhốp vờ ho. - Nếu người ta tán thành vô thần tức là người ta phủ nhận Thượng đế, điều đó ảnh hưởng không tốt đến đạo đức xã hội. Nếu người ta tán thành hữu thần, người ta sẽ đi ngược lại với khoa học... người ta dễ rơi vào mê tín. Sêkhốp im lặng như suy nghĩ. Đột nhiên ông hỏi: - Trường của ông có đủ bàn ghế cho học sinh không? - Làm gì có? Bảng thì mọt, sơn thì long, ghế không có phải ngồi xổm, lấy đùi làm bàn. - Anh giáo thao thao kể. Sêkhốp hỏi khẽ: - Thế ông có hay đánh học sinh không? Anh giáo giãy nảy. - Đời nào? - Sao người ta nói các thầy hay đánh học trò lắm. Anh giáo cười bẽn lẽn. - Cũng có nhưng ít thôi... Ông bảo... Chúng hư lắm. Quát tháo rát họng chúng có nghe cho đâu. - Ông có uống rượu không? - Có chút đỉnh... Ông không hiểu cuộc đời một người giáo làng buồn tẻ đến thế nào... Lương không đủ ăn, sách không có, không ai dám nói thật với ai...sợ bị báo cáo lên cấp trên... óc thì mỗi ngày một cảm thấy u tối, hoang dại thêm... không uống rượu thì biết làm gì? Có phải chúng tôi không có hoài bão, có phải chúng tôi là những kẻ cục súc đâu. Rồi người khách ôm mặt khóc không thành tiếng. Sêkhốp đã trả anh ta về cho sự thật. Những lời chân tình của người giáo viên trẻ tuổi đã khiến Sêkhốp mủi lòng. Ông thân đứng ra quyên góp tiền xây dựng trường sở, sắm sửa bàn ghế cho học sinh, và thành lập một tủ sách cho các thầy. Người giáo viên trẻ tuổi như hồi sinh. Anh đã góp phần quyết định trong việc biến đổi trường Mêlikhôvô thành một trường kiểu mẫu nổi tiếng. Vào một buổi sớm, ông được tin người giáo viên kia đã bị mật vụ bắt. Hay cuộc đời thuổng văn Sêkhốp? Mùa đông ấy rét dữ, ông thổ huyết nhiều phải rời đến nghỉ tại vùng biển ấm Yalta. Sức khỏe ngày mỗt sút kém, mà công việc thì ngày mỗi thêm phức tạp khó khăn. Trước đây Sêkhốp nghĩ một cách đơn giản rằng nhà văn chỉ cần tưởng tượng ra một cốt truyện rồi dựng lên một dàn nhân vật ít nhiều có tính cách để thực hiện cốt truyện đã định. Nhà văn như một Đức Chúa Lời, một hoàng đế tối thượng toàn quyền sinh sát với đám nhân vật nhỏ bé. Giờ ông có cảm giác như đám nhân vật bỗng trưởng thành và trở nên khó bảo, bướng bỉnh, không hiếm trường hợp chúng cãi lại thậm chí chống đối cốt truyện như quân Robin Hút hay đám giặc Lương Sơn Bạc chống đối quyền uy hà lạm của triều đình. Trong khi đó thì tiền xuất bản ứng trước đã cạn và nợ bài thúc bách sau lưng... Nhưng... Một nhà văn lương thiện liệu có đang tâm bịt tai lại trước những đòi hỏi chính đáng của nhân vật hoặc xuống tay đàn áp chúng như một trưởng cảnh sát của Sa hoàng!!! Hôm trước, sau khi xé bỏ bản thảo đã gần hoàn thành sửa lại theo yêu sách của những thân phận giấy... lúc gà gáy canh ba Sêkhốp lại ho ra máu. Cho đến giờ này Sêkhốp vẫn sống cuộc đời độc thân. Khiếu tinh tế và mẫn cảm cực nhạy của nhà văn đối với sự dối trá làm ông do dự. Khi yêu hình như người ta phải hơi liều, hơi mù quáng một chút. Những mối tình trong truyện ngắn Sêkhốp thường kết thúc bằng một cuộc chia tay oan uổng, đẹp đến chảy nước mắt hoặc một cuộc "chung thân bất hạnh", hậu quả một hiểu lầm đáng buồn. Trước thúc ép của bạn bè, Sêkhốp tìm cách né tránh qua những lời pha trò. "Hạnh phúc liên tục, ngày nọ sang ngày kia, từ sớm tới tận chiều tối, hình như quá sức chịu đựng của tôi. Nếu ngày nào người ta cũng nói với tôi cùng một việc, cùng một giọng, tôi sẽ phát rồ... Tôi hứa sẽ là một đức ông chồng tuyệt vời nhưng hãy cho tôi một người vợ như mặt trăng, chỉ xuất hiện trên vòm trời của tôi vào những đêm rằm..." Những con tàu tình yêu đều nhả khói ra đi để lại Sêkhốp trên sân ga mưa phùn vừa giận vừa thương vừa tiếc với chiếc va li kỷ niệm ngày một quá tải. " Tôi đã là một thanh niên già nua, tình yêu của tôi không phải một mặt trời và không làm nên mùa xuân, cả cho tôi lẫn cho con chim nhỏ tôi yêu. Lika, em không phải người tôi đam mê. Tôi yêu ở em những đau khổ đã qua và tuổi thanh xuân đã mất". Sau những câu nói ỡm ờ trên, là một lời thú nhận xót xa: "Tôi đã lỡ cuộc đời tôi như tôi đã lỡ tình yêu của em". Năm 1898, Sêkhốp gặp Olga Nippơ nữ diễn viên ngôi sao của Nhà hát Nghệ thuật. Nhà hát sau này nổi tiếng khắp nước Nga và châu Âu nhờ những vở kịch của Sêkhốp do Xtanilapski dàn dựng. Năm 1901, Olga chính thức làm vợ Sêkhốp. Bữa tiệc cưới có mặt đông đủ giới văn hữu tại Mạc Tư Khoa,chỉ vắng mặt có hai người: cô dâu và chú rể (?). Ôi, nỗi canh cánh sợ lố bịch vẫn đeo đuổi nhà văn ngay vào những giờ phút sung sướng nhất của đời ông. Sêkhốp tìm một nơi vắng vẻ cho hạnh phúc ẩn náu. Nhưng hình như số phận muốn chơi khăm nhà văn. Trên đường đi ẩn, ông lại thổ huyết và các bác sĩ bắt ông phải sang chữa bệnh tại Thụy sĩ. Cuộc du hành trăng mật thơ mộng biến thành một cuộc đi chữa bệnh buồn chán với lỉnh kỉnh các thứ chai lọ, túi chườm, mùi cồn, mùi long não,hệt như trong một truyện ngắn Sêkhốp. Năm 1902, ông hy vọng có một đứa con... nhưng rốt cuộc chỉ là hy vọng hão huyền. Đời sống vợ chồng hết sức bi kịch. Sêkhốp đến Mạc Tư Khoa thì Olga đi lưu diễn vắng. Olga sắp về thì mùa đông lại đến sớm... và Sêkhốp buộc phải trở lại Yalta trốn rét. Olga tới Yalta thì Sêkhốp lại thổ huyết phải vào bệnh viện. " Hãy cho tôi một người vợ như mặt trăng, chỉ xuất trên vòm trời của tôi vào những đêm rằm". Lời văn vận vào người cho đến bao giờ ? * * * Năm 1904 , Sêkhốp qua đời . Do trục trặc kỹ thuật, người ta xếp nhầm quan tài của nhà đại văn hào vào chuyến tàu chở linh cữu của một vị tướng đến Mạc Tư Khoa. Và nhà thơ suốt đời chống lại sự dung tục, suốt đời không muốn nói to sợ làm phiền mọi người, nhà thơ len lỏi trong cuộc vũ hội giả trang lớn của nhân sinh, khẽ khàng gỡ từng chiếc mặt nạ giúp con người một phút nhìn thấy bộ mặt thật của mình, vừa xin lỗi vừa thủ thỉ:" Các ông bà sống nhảm quá", nhà thơ thấy xác mình chất lên xe nhà binh có lính kèn đi trước. Tiếng trống cà rùng tiếng kèn đồng om xòm. Phòm phòm phòm Te tò te... Một lần nữa số phận lại mô phỏng nhà văn tạo ra một đám ma rất truyện ngắn Sêkhốp. Phòm phòm phòm Te tò te...
Ai như tiếng "Quản Ầm"[1] đang hô: Ắc ê...ắc ê...
[1] Nhân vật chính trong truyện ngắn nôit tiếng của Sêkhốp, nguyên văn " Viên quản Prisibiev", dịch thành "Quản Ầm"
|
© Copyright